Theo công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của VCCI, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng thứ hạng với 65,15 điểm trên thang điểm 100, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố.
>>>PCI 2022: Thước đo “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế”
Không ngừng kiến tạo môi trường đầu tư
Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, tỉnh chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Tỉnh đa dạng hóa các hình thức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bắc Kạn đã được cải thiện rất mạnh mẽ. Điều này được minh chứng bới đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua lăng kính PCI. PCI được đánh giá là kênh thông tin đáng tin cậy về địa điểm đầu tư, là phản hồi quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương. Với chính quyền cấp tỉnh, PCI là biểu tượng của sự cầu thị, lắng nghe và tinh thần hợp tác với khu vực doanh nghiệp.
Theo công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của VCCI, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng thứ hạng với 65,15 điểm trên thang điểm 100, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2021, tăng 25 bậc so với năm 2018.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên cho biết, để có được kết quả hôm nay, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, chủ trương của tỉnh xác định nhiệm vụ cải cách hành hành, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực này. Để cụ thể hóa nhiệm vụ đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động 5 năm, kế hoạch thực hiện hàng năm, trong đó đề ra các giải pháp rất quyết liệt, và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ thống nhất trên toàn tỉnh.
>>>PCI 2022: Doanh nghiệp tư nhân khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường
>>>PCI 2022: 18 năm kiên định sứ mệnh “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế”
Theo báo cáo PCI năm 2022, bên cạnh các Chỉ số tăng điểm như: Thiết chế pháp lý, Tính năng động của chính quyền, Gia nhập thị trường.. thì tỉnh Bắc Kạn cũng có những chỉ số doanh nghiệp chưa đánh giá cao như: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...
Để cải thiện các chỉ số này, trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung đánh giá, phân tích nguyên nhân và có các giải pháp hết sực cụ thể để phấn đấu nâng điểm các Chỉ số, đặc biệt là các Chỉ số còn thấp và giảm điểm.
Được biết, tỉnh Bắc Kạn đang quyết tâm nỗ lực để vào Top 30 tỉnh, thành phố có điểm PCI 2022 hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư; hỗ trợ đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng cho thu hút đầu tư; Quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Đồng thời, Bắc Kạn cũng đang đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt Quy hoạch tỉnh; các quy hoạch danh lam thắng cảnh, di tích quốc gia, lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu,… tạo tiền đề thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào địa bàn.
Hút đầu tư phát triển xanh, bền vững
Phát huy lợi thế tỉnh Bắc Kạn có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, trên 73 %, có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử với các giá trị tự nhiên, lịch sử đặc sắc như quần thể du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể, khu di tích lịch sử ATK Chợ Đồn, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc... Cùng với đó là 372.000 ha đất lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Đinh Quang Tuyên, tỉnh Bắc Kạn đã và đanh thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó, định hướng thu hút đầu tư vào các địa bàn xa các khu vực phát triển du lịch, trung tâm đô thị, nhất là vào các khu, cụm công nghiệp để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái và bảo đảm sự phát triển xanh, bền vững tại địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh đang kêu gọi các dự đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, trọng tâm là các dự án phát triển du lịch hồ Ba Bể; phát triển du lịch Hồ Nặm Cắt, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc…
“Tỉnh cam kết đồng hành, sát cánh, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư có nhiều thành công trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục hợp tác, gắn bó, chung tay cùng chính quyền kiến tạo môi trường đầu tư tỉnh Bắc Kạn ngày càng hấp dẫn hơn”, ông Đinh Quang Tuyên khẳng định.
Có thể bạn quan tâm