Quảng Ninh: Xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển kinh tế
Quảng Ninh đang lập đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn" để sớm đưa khu vực này trở thành trung tâm công nghiệp giải trí, cửa ngõ giao thương quốc tế.
>>>Kinh tế biển Quảng Ninh (Kỳ I): Dấu ấn ngành “công nghiệp không khói”
>>>Kinh tế biển Quảng Ninh Kỳ II: Còn nhiều lực cản cảng biển
Rà soát về hiện trạng phát triển KKT
KKT Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ thành lập vào năm 2007 và điều chỉnh quy hoạch chung vào năm 2020. KKT này được định hướng là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế…
Để KKT Vân Đồn “cất cánh”, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác triển khai lập đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn". Theo đó, Tổ công tác đã rà soát, cập nhật thông tin về hiện trạng phát triển KKT Vân Đồn để cập nhật vào nội dung đề án. Phía BQL KKT Quảng Ninh đã phối hợp với BQL KKT Vân Đồn và các sở, ngành, địa phương kết nối với các nhóm chuyên gia, tham khảo những cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương để xây dựng dự thảo đề cương, đề xuất các cơ chế, chính sách áp dụng thí điểm cho KKT Vân Đồn.
Trong đó, tập trung vào 4 nhóm cụ thể gồm các cơ chế, chính sách được kế thừa, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác đã được ban hành. Các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình quốc hội cho ý kiến; các cơ chế chính sách mới đột phá có tác động lan toả.
Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo về công tác triển khai lập đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn", ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, các thành viên tổ công tác cần tiếp tục tập trung nghiên cứu đề xuất những cơ chế chính sách ở mức cao nhất, thuộc lĩnh vực đơn vị mình quản lý, gắn với sự cần thiết và tình hình thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, phải có những cơ chế chính sách đặc thù, riêng có. Trong đó, tập trung đề xuất ở 4 nhóm vấn đề gồm các chính sách ưu đãi, thẩm quyền, ngành nghề thu hút đầu tư và thể chế.
>>>Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
Cũng theo ông Huy, BQL KKT tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh triển khai tổ chức các hội thảo, xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm. Qua đó, đảm bảo tiến độ, chất lượng của đề án để trình Chính phủ trong năm 2023.
Hình thành vùng động lực phát triển kinh tế
Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh quyết tâm đến năm 2040, xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực, bảo đảm môi trường sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Đồng thời xây dựng khu vực này trở thành trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên…
Thực tế, KKT Vân Đồn được Trung ương và tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong hai mũi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà còn cho cả khu vực phía Bắc trong tương lai.
Thời gian qua, sau nhiều năm dành nguồn lực đầu tư và xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đến nay, KKT Vân Đồn đang sở hữu hạ tầng, phương thức giao thông đa dạng và đồng bộ nhất tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế được ví như cửa ngõ bầu trời của tỉnh Quảng Ninh được đặt tại Vân Đồn, tuyến cao tốc dài gần 200km Hải Phòng - Móng Cái dọc tỉnh cũng chọn Vân Đồn là trung tâm kết nối. Đặc biệt, mới đây, Bến cảng cao cấp Ao Tiên với quy mô gần 30ha được đưa vào hoạt động đã rút ngắn thời gian đưa du khách ra các tuyến đảo của huyện Vân Đồn, Cô Tô và trở thành cửa ngõ hiện đại của vịnh Bái Tử Long, cũng như hoạt động du lịch biển đảo.
Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng KKT Vân Đồn phát triển là đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực, các đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) và đồ án quy hoạch chi tiết (QHCT) tại KKT Vân Đồn cũng đã BQL KKT Vân Đồn triển khai lập, phê duyệt để làm cơ sở quan trọng kêu gọi dự án đầu tư. Mỗi một đồ án quy hoạch đều được xây dựng chặt chẽ gắn với đặc thù khu vực, không tạo nên xung đột giữa các ngành, lĩnh vực phát triển; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái. Đến nay, trên địa bàn KKT Vân Đồn đã có trên 60 dự án đăng ký đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng nguồn vốn 62.900 tỷ đồng.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền cho biết, từ những đồ án QHPK, QHCT được duyệt, thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng Khu đô thị cao cấp bến cảng Ao Tiên. Hiện tại đã đưa vào khai thác Bến cảng cao cấp Ao Tiên và đang từng bước đầu tư hệ thống khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh tại khu đô thị.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Giao thông nối gần du lịch tuyến đảo
09:30, 01/06/2023
Quảng Ninh: Nhiều hoạt động kích cầu du lịch
06:32, 31/05/2023
Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
02:30, 31/05/2023