Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch
Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Diễn đàn Doanh nghiệp phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đa, Chánh Thanh tra tỉnh BR-VT, về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ ngành Thanh tra.
- Cùng với việc nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh BR-VT luôn chú trọng cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức” vốn được coi là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư thưa ông?
“Chi phí không chính thức” là chỉ số thành phần của PCI. Tỉnh đã luôn quyết tâm cải thiện điểm số ở chỉ số này. Minh chứng thể hiện vừa được VCCI công bố tỉnh BR-VT xếp thứ 4 cả Chỉ số “Chi phí không chính thức”.
Trong những năm vừa qua, tiêu chí “Chi phí không chính thức” của chỉ số PCI tại tỉnh BR-VT đã có nhiều sự cải thiện rõ rệt. Thanh tra tỉnh với vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt các giải pháp như: Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KN,TC). Tăng cường đối thoại trực tiếp và thực hiện lịch tiếp công dân định kỳ, đột xuất; tăng cường kiểm tra, kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng...
Đặc biệt, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức nhà nước với người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các TTHC; Xây dựng quy trình xử lý hồ sơ minh bạch, rõ ràng, công khai, để tạo ra hành lang giao tiếp bình đẳng giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
- Công tác xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Chỉ thị. Để tránh việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, đặc biệt đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh cũng đã tham mưu UBND xây dựng Phần mềm quản lý thanh tra, kiểm tra, ứng dụng trên địa bàn tỉnh. Phần mềm đã hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong công tác phát hiện chồng chéo trong Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm. Điều đó giúp công tác thanh, kiểm tra thuận lợi, minh bạch và rõ ràng, khắc phục dần tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
- Ông có thể cho biết kết quả hoạt động của Thanh tra tỉnh BR-VT trong thời gian qua? Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thanh tra tỉnh trong thời gian tới?
Trong nhiều năm qua, qua công tác thanh tra đã kiến nghị thu hồi nhiều tỷ đồng; ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Có thể nói, quá trình phát triển của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp đổi mới của BR-VT nói riêng và cả nước nói chung.
Năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai thực hiện 79 cuộc thanh tra hành chính, tăng 11 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Qúy I/2023, toàn ngành Thanh tra trong tỉnh thực hiện 29 cuộc thanh tra hành chính: 19 cuộc theo kế hoạch và 10 cuộc đột xuất. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thực hiện: 105 cuộc, tăng 30 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành so với cùng kỳ năm 2022.
Chúng tôi, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt; tham mưu giải quyết các vụ việc được giao thụ lý xác minh, đạt tỷ lệ từ 85% trở lên các vụ đến hạn giải quyết; tham mưu thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, các kết luận nội dung tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%;...
Trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và định hướng về chuyên môn của Thanh tra Chính phủ để xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm.
Từ đó, phát hiện những thiếu sót và kiên quyết xử lý sai phạm trong công tác quản lý nhà nước, xứng đáng là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng; đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm