Tín hiệu tích cực cho môi trường thu hút đầu tư của Thái Bình
Công ty CP Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng) và Công ty Roding Mobility (CHLB Đức) đã ký Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ tại Việt Nam.
>>>Sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của Việt Nam có đến từ ưu đãi thuế?
>>>Quảng Bình phát triển lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư
UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức Hội thảo Hợp tác đầu tư và phát triển Thái Bình – CHLB Đức.
Thúc đẩy đầu tư của thị trường trọng điểm
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2023, Thái Bình đã thu hút được 121 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD, trong đó có 1 dự án của Cộng hòa Liên bang Đức với vốn đầu tư 620 nghìn USD. Hiện, các lĩnh vực tỉnh Thái Bình đang ưu tiên thu hút đầu tư là công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử-bán dẫn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, sự có mặt của đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam… và hơn 60 tổ chức, doanh nghiệp CHLB Đức tham dự hội thảo cho thấy sự quan tâm đặc biệt từ CHLB Đức đối với môi trường hợp tác, đầu tư tại tỉnh Thái Bình. Sự kiện kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa việc đầu tư mạnh mẽ của một thị trường trọng điểm khu vực châu Âu vào tỉnh Thái Bình.
Tỉnh Thái Bình luôn xác định nguồn lực bên trong là quyết định, cơ bản, lâu dài. Nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Do vậy việc thu hút đầu tư vào Thái Bình là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lãnh đạo địa phương, với quan điểm nhà đầu tư thành công trên địa bàn chính là động lực phát triển của tỉnh. Do vậy, chính quyền tỉnh Thái Bình sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, có thiết chế minh bạch và chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tối đa – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.
>>>Bà Rịa – Vũng Tàu: “Điểm sáng” thu hút đầu tư
Tại hội nghị, ông Marko Walde -Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam và ông André de Jong- thành viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đều khẳng định Việt Nam hiện là địa điểm đầu tư ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Đức. Và qua nghiên cứu, phía Đức nhận thấy Thái Bình có rất nhiều tiềm năng phát triển có thể hợp tác như đào tạo nghề, chuỗi cung ứng vật liệu, tài chính, năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Đức cho rằng, môi trường đầu tư cần thông thoáng hơn, bảo đảm về an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Cần đơn giản hóa, số hóa thủ tục hành chính, nhất là về thủ tục hải quan, thuế… tạo sức hấp dẫn hơn nữa cho nhà đầu tư.
Sẽ có nhà máy sản xuất ô tô điện
Kết thúc hội thảo, Công ty Cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng) và Công ty Roding Mobility (CHLB Đức) đã ký Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ôtô điện cỡ nhỏ tại Việt Nam. Đây được xem là một tín hiệu tích cực cho môi trường thu hút đầu tư của Thái Bình.
Theo đó, Roding sẽ tư vấn kỹ thuật, giám sát triển khai toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ khâu thiết kế – thử nghiệm đến sản xuất hoàn chỉnh và chuyển giao công nghệ cho Thái Hưng theo tiêu chuẩn L7e của châu Âu. Thái Hưng sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ Roding, sản xuất thương mại các mẫu xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ, phân phối cho thị trường Việt Nam và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo kế hoạch, Nhà máy ô tô điện Thái Hưng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý IV/2023 và ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2024.
Ở giai đoạn đầu, Thái Hưng tập trung phát triển xe điện nội đô (city car) với sản lượng sản xuất dự kiến trong 3 năm đầu là 5.000 xe. Giai đoạn kế tiếp, Thái Hưng sẽ sản xuất và giới thiệu tới thị trường Việt Nam các mẫu xe điện phân khúc A.
Theo ông Franz Ferdinand Heindlmeier - Giám đốc điều hành Công ty Roding Mobility, ông đánh giá cao tiềm năng phát triển ô tô điện tại Việt Nam, nhất là ô tô điện cỡ nhỏ và xem đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp hợp tác và đầu tư ô tô điện tại Việt Nam.
Với Thái Hưng, đây là một start up trong lĩnh vực ô tô điện. Chúng tôi rất hiểu và đồng cảm với khát khao của một start up ô tô điện và chúng tôi chắn chắn sẽ đồng hành để đi đến kết quả tốt đẹp nhất. Chúng tôi có công nghệ và các concept sản xuất các dòng ô tô điện và chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất xe điện cho Thái Hưng - ông Franz Ferdinand Heindlmeier khẳng định.
>>>Quảng Bình: Kỳ vọng bứt phá trong thu hút đầu tư
Được biết, Công ty Cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh tiền thân là công ty gia công cơ khí xuất khẩu, được thành lập từ năm 2006. Năm 2020, Thái Hưng tái cơ cấu ngành nghề và trở thành một công ty khởi nghiệp mới trong lĩnh vực ô tô điện thông qua dự án Đầu tư xây dựng nhà máy cơ điện Thái Hưng tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Dự án đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt lần đầu ngày 8/1/2020 và điều chỉnh ngày 30/12/2022, với mục tiêu gia công, lắp ráp và sản xuất xe điện 2 bánh, 3 bánh và ô tô điện. Tổng công suất toàn dự án là 15.000 xe/năm, trong đó, riêng ô tô điện có quy mô công suất thiết kế là 5.000 xe/năm.
Công ty Roding Mobility được thành lập năm 2008, là công ty cơ khí chế tạo có trụ sở tại CHLB Đức, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và thiết kế sản phẩm mới trong lĩnh vực phương tiện giao thông, đặc biệt là các nền tảng khung gầm cho các dòng ô tô điện và các mẫu xe của tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của Việt Nam có đến từ ưu đãi thuế?
03:00, 29/06/2023
Hải Dương: Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc
02:13, 28/06/2023
Quảng Bình phát triển lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư
10:03, 24/06/2023
Quảng Bình: Kỳ vọng bứt phá trong thu hút đầu tư
00:06, 20/06/2023
Bà Rịa – Vũng Tàu: “Điểm sáng” thu hút đầu tư
14:21, 17/06/2023