Quảng Bình phát triển lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư

THÙY LINH thực hiện 24/06/2023 10:03

Quảng Bình đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu.

>>Quảng Bình phát triển du lịch rừng

Ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Với phương châm “Thích ứng, đồng hành cùng phát triển”, Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu: Đến năm 2030 Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung; đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây. 

- Thưa ông, đâu là lợi thế cạnh tranh của tỉnh Quảng Bình trong thu hút đầu tư?

Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Bình là điểm đến tiềm năng và khác biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quảng Bình nằm trên hành lang kinh tế Đông-Tây, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bao gồm cả đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và châu Á với Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hai lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới... Quảng Bình còn có Suối nước nóng Bang với độ sôi tự nhiên 105 độ C, được đầu tư thành khu du lịch sinh thái và phục hồi chức năng theo mô hình Onsen (Nhật Bản), thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; cùng với việc đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động các sân gôn đẳng cấp Quốc tế…

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về địa lý, kinh tế, nhất là du lịch, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình ưu tiên phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong hai trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình.

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 8.350 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 111.500 tỷ đồng. 

Nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, với nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm, bức xạ mặt trời khá cao nên Quảng Bình giàu tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Theo tính toán, tỉnh Quảng Bình có số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 - 1.820 giờ/năm, lượng bức xạ trong năm dao động trong khoảng 1.256 - 1.418 kWh/m2/năm, tập trung vào các tháng mùa hè từ tháng 3 đến tháng 9 thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Tỉnh Quảng Bình cũng có vận tốc gió bình quân từ 6 – 6,75 m/s (ở độ cao 120 m) ở khu vực trên biển và đất liền, thích hợp để phát triển điện gió…

Quảng Bình với địa thế biển rừng gần nhau, độ che phủ của rừng đứng thứ hai cả nước, bờ biển dài 116km, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, Quảng Bình hội tụ đầy đủ các tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Tỉnh xác định phát triển bền vững kinh tế biển với trọng tâm là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển. Thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển.

Hệ thống các khu kinh tế ở Quảng Bình cũng mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực trung Lào, đông bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông. Khu kinh tế biển Hòn La thuộc vùng kinh tế trọng điểm nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình cùng với 8 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch. Đây sẽ là nơi hứa hẹn đặt nhà máy sản xuất, chế biến an toàn, hiệu quả của các nhà đầu tư.

Cảng biển nước sâu Hòn La (trong Khu kinh tế Hòn La) cho phép tàu 20.000 tấn ra vào và đã phê duyệt quy hoạch để nâng cấp tiếp nhận tàu 50.000 tấn ra vào, với năng lực tiếp nhận 1,2 triệu tấn/năm...

- Cùng với những tiềm năng riêng có, Quảng Bình đã và đang đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương, thưa ông?

Quảng Bình là địa phương hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông quan trọng với 5 loại hình đường bộ, đường sắt, đường không, đường hàng hải, đường thủy nội địa, kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực. Đây là những điểm đột phá quan trọng, góp phần không nhỏ thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Bình tiếp tục định hướng tăng cường mở rộng kết nối vùng thông qua việc phát triển thêm một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Trong đó, hệ thống đường cao tốc trong tương lai sẽ bao gồm trục cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai và tuyến cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cha Lo (Quảng Bình) dài 89 km.

Hệ thống đường sắt, ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay, sẽ có thêm các tuyến đường sắt mới như Vũng Áng - Mụ Gia - Thà Khẹc (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030); tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2031 - 2040).

Hệ thống đường quốc lộ sẽ bao gồm 9 tuyến: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ 12A, 12C, 15, 9E, 9B, 9C, 9G. Đối với hệ thống đường tỉnh lộ, toàn tỉnh sẽ có tổng cộng 31 tuyến và đường ven biển gồm 8 tuyến (tổng chiều dài khoảng 137 km).

 Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra tiến độ thi công Dự án thành phần 1 Đường ven biển thuộc Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra tiến độ thi công Dự án thành phần 1 Đường ven biển thuộc Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.

Về hệ thống cảng biển, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, cảng biển Quảng Bình thuộc Nhóm cảng biển số 2, là cảng biển loại II, gồm các khu bến: Khu bến Hòn La, Khu bến Mũi Độc - chuyên dùng phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Cảng cạn Hòn La (dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030 hoặc sau năm 2030 để kết nối với cảng biển Hòn La); Khu bến Sông Gianh và một số khu neo đậu tránh, trú bão khác…

Về đường hàng không, phương án phát triển Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2030 sẽ là cảng hàng không quốc nội, có hoạt động bay quốc tế. Khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ được xem xét trở thành cảng hàng không quốc tế; sân bay cấp 4C; xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 3 triệu lượt khách/năm…

Để phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, cũng như tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại sẽ vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng mà tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện trong thời gian tới.

- Theo báo cáo PCI năm 2022, Quảng Bình tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng PCI 2022. Để đạt được thành tích này, ông có thể chia sẻ điểm nhấn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Bình thời gian qua?

Xác định thu hút đầu tư là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động, tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và định hướng cho từng giai đoạn.

Để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, tỉnh Quảng Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trung tâm Hành chính công tỉnh là đầu mỗi giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn theo cơ chế một cửa liên thông (OSS) tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cùng với việc thường xuyên tổ chức gặp mặt nhà đầu tư, doanh nghiệp định kỳ để đối thoại, nắm bắt và xử lý các yêu cầu, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án… tỉnh cũng thành lập Bộ phận tiếp nhận kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về chính sách thu hút đầu tư, Quảng Bình đã công khai, minh bạch những cơ chế, chính sách ưu đãi, những dự án ưu tiên đầu tư trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành. Quảng Bình là tỉnh thứ 9 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch khu chức năng… đã được phê duyệt và thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh làm cơ sở để thu hút đầu tư.

- Vậy đâu là những lĩnh vực ưu tiên trong thu hút đầu tư của Quảng Bình trong thời gian tới, thưa ông?

Trong thời gian tới, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch góp phần thúc đẩy du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế; khuyến khích kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo…. phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao….

Về các đối tác thu hút đầu tư, Quảng Bình ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, đầu tư ổn định và lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Đối với các dự án đầu tư trong nước, Quảng Bình ưu tiên thu hút những tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics...

Với các doanh nghiệp địa phương, tỉnh Quảng Bình có chính sách khuyến khích đầu tư vào các cụm công nghiệp, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

- Trước thềm hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023, ông có thông điệp gì gửi tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư?

Với phương châm “Thích ứng, đồng hành cùng phát triển”, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình luôn cam kết “Đồng hành với doanh nghiệp”, “phục vụ doanh nghiệp” là phương châm hoạt động. Quảng Bình tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin về đất đai, quy hoạch, kế hoạch, danh mục kêu gọi đầu tư …. chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”

Là nội dung của Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư Quảng Bình 2023 diễn ra ngày 25/6 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ là "cú hích” để Quảng Bình hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng trong thời gian tới.

Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin về định hướng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án đầu tư của Quảng Bình đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thông qua đó thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại hội nghị, tỉnh Quảng Bình sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đầu tư 3.129 tỷ đồng (khoảng 0,14 tỷ USD). Đồng thời ký kết 24 biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực: Hạ tầng, Thể thao Du lịch, Công nghiệp - khoáng sản, Bất động sản với tổng vốn đăng ký 45.843 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD).

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Bình: Kỳ vọng bứt phá trong thu hút đầu tư

    Quảng Bình: Kỳ vọng bứt phá trong thu hút đầu tư

    00:06, 20/06/2023

  • Quảng Bình: Tạo động lực từ những công trình hạ tầng giao thông

    Quảng Bình: Tạo động lực từ những công trình hạ tầng giao thông

    08:32, 02/01/2023

  • Quảng Bình: Cần cơ chế đặc biệt cho những dự án du lịch quy mô lớn

    Quảng Bình: Cần cơ chế đặc biệt cho những dự án du lịch quy mô lớn

    02:00, 05/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Bình phát triển lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO