Quảng Bình: Cần cơ chế đặc biệt cho những dự án du lịch quy mô lớn

TUẤN VỸ 05/12/2022 02:00

Nhiều tiềm năng song vẫn chưa được đầu tư đúng mức, tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới sẽ chú trọng hơn cho ngành du lịch gắn với cộng đồng, mạo hiểm, nghỉ dưỡng,...

>>Rực rỡ sắc màu Lai Châu giữa lòng thành phố mang tên Bác

Từ năm 2021 đến nay, có khoảng 20 dự án đầu tư từ nguồn xã hội hóa thuộc lĩnh vực du lịch được chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Chưa tương xứng tiềm năng

Từ thông tin của Sở Du lịch Quảng Bình, tổng lượng khách du lịch đến địa phương năm 2022 dự ước đạt khoảng 2.010.720 lượt khách, đạt 100,5% so với kế hoạch năm 2022. Theo đó, khách nội địa ước đạt 1.979.933 lượt; khách quốc tế ước đạt 30.787 lượt. Tổng thu từ du lịch dự ước đạt khoảng 2.312,3 tỷ đồng,  đạt 102,8% so với kế hoạch năm 2022.

Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển du lịch địa phương vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" cần được tháo gỡ. Đặc biệt, ngành du lịch vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, chưa phát triển thực sự tương xứng với tiềm năng.

a

Tỉnh Quảng Bình sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng,...

Trong đó, hệ thống sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng, nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện. Hạ tầng kỹ thuật về du lịch mặc dù đã được chú trọng đầu tư nhưng đang trong quá trình hoàn thiện và chưa thực sự đồng bộ, nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa cao,... Các tồn tại, hạn chế đã khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thông tin từ ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch trong đó chủ đạo là du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng ngành du lịch tỉnh còn những hạn chế như doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch covid 19, Khó khăn về tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ,...

Với mục tiêu

Hệ thống sản phẩm còn khá ít, chưa tạo được nhiều điểm đến hấp dẫn "kéo" khách du lịch đến địa phương.

"Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tỉnh định hướng trở thành Trung tâm Du lịch Mạo hiểm của Châu Á, phát triển du lịch bền vững gắn với lợi ích cộng đồng. Mục tiêu là đón 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030", ông Hà cho hay.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược trong phát triển du lịch. Song song, tỉnh này cũng sẽ hoàn thiện quy hoạch hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng phát triển du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch mới và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Chú trọng đầu tư

Ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng tỉnh Quảng Bình cần xây dựng, sớm ban hành những cơ chế ưu đãi khuyến khích hơn dành cho các dự án đầu tư du lịch, đặc biệt là các dự án quy mô lớn. Đồng thời, cần xây dựng, sớm ban hành những cơ chế ưu đãi khuyến khích hơn dành cho các dự án đầu tư du lịch như hỗ trợ thủ tục, thuế,...

Ông Thủy cho rằng tỉnh Quảng Bình nên có những cơ chế đặc biệt cho những dự án du lịch quy mô lớn, khu điểm du lịch đa dịch vụ - đa trải nghiêm, dự án khu lưu trú hạng sang, hay các khu vui chơi giải trí – trung tâm thương mại…. Cùng với đó, địa phương cần có cơ chế hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi mọn,

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi mọn, địa phương cần ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản phẩm, cơ sở hạ tầng, xây dựng điểm đến,... có quy mô và chất lượng.

"Tỉnh cần công khai các chính sách thu hút đầu tư chung và riêng, danh mục thu hút đầu tư du lịch cũng như các thủ tục để nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Dành nguồn lực ngân sách tỉnh và đề xuất nguồn ngân sách từ Trung ương để nâng cấp, hoàn thiện tính kết nối hạ tầng đường bộ, đường biển, đường không và hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch nội tỉnh và với các tỉnh khác trong vùng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình thông qua các chương trình kết nối, gặp gỡ và xúc tiến giới thiệu cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Bình", ông Thủy đề xuất.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam mặc dù số lượt khách du lịch tại Quảng Bình tăng nhưng thời gian lưu trú còn ngắn, kinh doanh du lịch vẫn còn mang tính mùa vụ. Bởi lẽ, hạ tầng du lịch Quảng Bình vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, các điểm tham quan chưa được đầu tư bài bản và hệ thống cơ sở lưu trú còn thiếu cả về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ.

"Cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải gắn với phát triển du lịch, dựa vào các cụm du lịch đã được quy hoạch. Đồng thời, hiện đại hóa mạng lưới giao thông công cộng tại các khu, điểm du lịch; nâng cao chất lượng các loại hình vận tải, mở rộng một số đường bay quốc tế để phát triển du lịch và đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Đồng Hới", vị này chia sẻ.

Do đó, ông Chính kiến nghị địa phương tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, ông Chính cũng đề xuất cần có hành lang pháp lý, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch đối với cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại cao cấp.

Hạ tầng giao thông kết nối,

Hạ tầng giao thông kết nối với địa phương khác cũng cần được đầu tư đúng mức để cùng kết hợp phát triển du lịch.

"Tỉnh cần điều chỉnh quy hoạch, phát triển thêm các điểm, vùng du lịch sinh thái, nên nghiên cứu xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển các làng nghề theo hướng liên kết phát triển du lịch, phát triển các mô hình “homestay và farmstay” trong một số làng nghề truyền thống điển hình nhằm tạo nên sức hấp dẫn để khách du lịch đến trải nghiệm và ở lại", KTS. Trần Ngọc Chính nói.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng Quảng Bình phải phát triển, hoàn thiện cả hạ tầng “cứng” lẫn hạ tầng “mềm” cho du lịch. Trong đó, vị này đề xuất về hạ tầng cứng thì địa phương chỉ nên giao diện tích lớn cho các nhà đầu tư có quy hoạch mang ý tưởng chiến lược, giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất, tránh việc cắt xén, quy mô nhỏ. Ngoài ra, Quảng Bình cũng cần tránh tình trạng ồ ạt cấp phép các dự án, đặc biệt là các dự án có quy mô nhỏ lẻ nhưng không dự báo, tính toán kỹ về quy hoạch, nhu cầu sử dụng khiến việc đầu tư, phát triển thiếu hiệu quả.

"Tỉnh Quảng Bình có thể "định vị" được thương hiệu cho riêng mình trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng, để thu hút dòng vốn và hấp thụ vốn đầu tư hiệu quả thì địa phương cần xem giao thông như là mạch máu của cơ thể, xem trọng xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông. Cùng với đó, chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng “mềm” và chuyển đổi số ngành du lịch hơn nữa trong tương lai", Tiến sĩ Trần Du lịch nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch trải nghiệm “Ngày của Phở” tại Nam Định

    Du lịch trải nghiệm “Ngày của Phở” tại Nam Định

    02:30, 04/12/2022

  • Vĩnh Phúc chọn du lịch và dịch vụ làm ngành kinh tế mũi nhọn

    Vĩnh Phúc chọn du lịch và dịch vụ làm ngành kinh tế mũi nhọn

    14:46, 03/12/2022

  • Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ I): Khoảng trống kỳ quan!

    Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ I): Khoảng trống kỳ quan!

    04:00, 03/12/2022

  • Đặc sắc lễ hội đường phố đêm khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu

    Đặc sắc lễ hội đường phố đêm khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu

    23:40, 02/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Bình: Cần cơ chế đặc biệt cho những dự án du lịch quy mô lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO