Nam Định là vùng đất thành Nam có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Trong đó, ẩm thực Nam Định luôn là nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn và thu hút du khách gần xa đến khám phá, trải nghiệm.
>>>Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ I): Khoảng trống kỳ quan!
Ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, từ ngày 10 – 12/12 tại TP Nam Định và làng Vân Cù xã Đồng Sơn – huyện Nam Trực sẽ diễn ra các hoạt động “Ngày của Phở 12-12”. Đây là năm thứ 6 sự kiện “Ngày của Phở 12-12” được tổ chức. Năm nay, chuỗi hoạt động với chủ đề “Phở Việt - Tinh hoa hội tụ” được tổ chức. Trong đó, ngày 10-12 diễn ra các hoạt động: trải nghiệm, chế biến và thưởng thức phở với sự tham gia của các Đại sứ và phu nhân các Đại sứ tại Việt Nam. Trong đó, có tour thăm và tôn vinh làng phở cổ trăm năm - làng phở Vân Cù, xã Đồng Sơn. Ngày 11-12 diễn ra chương trình Gala “Ngày của Phở” tại khu vực tiền sảnh Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh, Công viên tượng đài Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).
Tại đây sẽ có các gian hàng của các thương hiệu phở nổi tiếng trên toàn quốc và phở Nam Định. Ngày 12-12 diễn ra các hoạt động chủ đề “Phở yêu thương” tổ chức các đoàn đến thăm, nấu phở, tặng quà tại các "Mái ấm" dành cho trẻ em và người nghèo trên địa bàn tỉnh. Ban Tổ chức sự kiện cho biết, trong loạt hoạt động quảng bá, giới thiệu món phở sẽ có chương trình tô phở 10.000 đồng, toàn bộ số tiền thu được sẽ để dành cho hoạt động từ thiện "Phở yêu thương".
Bà Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định cho hay: Nam Định có rất nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn, mang nét đặc trưng riêng của đất thành Nam. Nổi bật nhất là phở bò Nam Định, bún đũa Nam Định vừa được Hội Kỷ lục gia Việt Nam bầu chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Bên cạnh đó, kẹo Sìu Châu cũng được bầu chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Chính sự ghi nhận này đã góp phần tạo nên dấu ấn của ẩm thực Nam Định.
Bà Lê Thị Thiết cho biết: Để bảo tồn văn hóa ẩm thực, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Nam Định nói riêng và của Việt Nam nói chung, vừa qua Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định ra đời sẽ là cầu nối để đưa ẩm thực của Nam Định vươn xa không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế.
Theo bà Thiết, Nam Định luôn thu hút du khách thưởng thức món phở, thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực chuẩn hóa phở Nam Định để quảng bá nét độc đáo của phở. Chuẩn từ gạo, lượng thịt bò, lượng gia vị… tạo nên chuẩn hương vị phở xưa Nam Định, chứ không nhầm lẫn với hương vị phở khác. Hiệp hội cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực ngoài phở.
Bà Thiết còn cho biết thêm: “Hiệp hội đang xây dựng đề án để hỗ trợ các nghệ nhân, hộ gia đình và đơn vị sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, đúng tiêu chuẩn. Chúng tôi sẽ gắn kết ẩm thực và du lịch để cùng phát triển, trước mắt ưu tiên các sản phẩm đóng gói như kẹo Sìu Châu để tạo thành quà tặng đặc trưng”.
…đến du lịch trải nghiệm
Ông Lê Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cũng nhận định: Để góp phần quảng bá đưa du lịch Nam Định phát triển hơn, đặc biệt đưa ẩm thực Nam Định vươn xa, trước tiên Nam Định phải đăng cai, tổ chức các sự kiện lớn về ẩm thực. Chẳng hạn, tổ chức Ngày hội phở Việt, Festival Phở. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa “ba nhà”: Nhà nước, nhà nghiên cứu và nhà kinh doanh.
Ông Lê Tân nhấn mạnh: “Văn hóa ẩm thực và du lịch luôn cần đồng hành với nhau. Nhờ ẩm thực, du khách có thêm những trải nghiệm và cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa bản địa. Đồng thời, nhờ sự vào cuộc của ngành du lịch, ẩm thực sẽ có thêm đôi cánh để bay xa hơn, du lịch sẽ đưa du khách từ khắp nơi tới để tìm hiểu, thưởng thức, giới thiệu cho bạn bè, người thân về nét độc đáo của ẩm thực thành Nam”.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Oanh – 52 tuổi (Việt kiều Đức): Tôi sống và làm việc tại Đức gần 20 năm, cứ mỗi dịp trở về quê hương tôi lại trở về đất thành Nam để trải nghiệm. Nam Định với tôi rất đẹp và linh thiêng. Ở nơi đây có Chùa Cổ Lễ, chùa Keo, phủ Dầy, đền Trần…đặc biệt không thể không nhắc đến ẩm thực là món phở bò.
Theo bà Oanh, Phở bò Nam Định là món ăn quen thuộc không chỉ ở Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước bởi hương vị ngọt ngào, khác biệt từ nước dùng đến sợi phở nhỏ mềm. Không biết từ khi nào mà phở bò Nam Định đã trở thành thương hiệu nổi tiếng gần xa.
Rất mê món này bà Oanh đã tìm tòi nghiên cứu (ra đời và cách nấu) để mang về Đức giới thiệu với món ăn ngon cho bạn bè, bà Oanh chia sẻ: Nhiều tài liệu cho rằng, phở xuất hiện đầu tiên là tại Nam Định. Ngay sau khi nhà máy dệt Nam Định được xây dựng, những gánh phở rong của người làng Vân Cù - Nam Định đã ra đời. Có rất nhiều cửa hàng phở bò, nhưng đa phần du khách đều sẽ lựa chọn đến những quán phở có xuất xứ từ Nam Định. Phương thức bí truyền tạo nên món phở bò Nam Định thơm ngon nằm ở cách chế nước dùng. Ngoài ra, bánh phở và thịt bò cộng thêm một số gia vị khác khiến phở bò Nam Định luôn có hương vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu.
Theo bà Nguyễn Lan Hương – Giám đốc Công ty TNHH Travel Tre Việt, Nam Định có tiềm năng du lịch khi kết hợp tinh hoa văn hóa Đông – Tây. Có thể phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh. Tuy nhiên, các điểm đến du lịch Nam Định chưa được khai thác nhiều. Việc tỉnh Nam Định tổ chức chuỗi hoạt động với chủ đề “Phở Việt - Tinh hoa hội tụ” sẽ là một điểm nhấn thu hút du khách đến với Nam Định trong mùa thu đông này. Để du khách có nhiều lựa chọn hơn như: Du lịch khám phá vẻ đẹp các nhà thờ cổ, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, sinh thái trải nghiệm văn hóa làng quê… “Chúng tôi hy vọng tỉnh Nam Định sẽ thường xuyên xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới để tạo hiệu quả trong việc kích cầu du lịch" - bà Lan Hương nói.
Có thể bạn quan tâm