Chỉ có 24% doanh nghiệp FDI Nhật Bản cho rằng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam là đến từ các chính sách ưu đãi thuế.
>>Thay đổi tư duy “đại bàng, chim sẻ” trong thu hút FDI
Theo Bộ Tài chính, nhiều nước đã công bố luật áp dụng hoặc có kế hoạch sửa đổi, bổ sung nội luật để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… là những nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam.
Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp phải nhiều thách thức về địa chính trị, dòng vốn FDI của Nhật Bản trên thế giới chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2021 và sau đó giảm phân nửa trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản khi dòng vốn này tăng hơn 59% vào năm 2021 và tăng tiếp 45% trong đầu năm 2022.
Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết: Mức thuế suất trung bình trong ASEAN là khoảng 20%, chính vì thế những chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam là một điều rất quan trọng để thu hút đầu tư. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tận dụng từ các ưu đãi về thuế cũng như những chính sách về việc miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp FDI của Việt Nam.
“Tuy nhiên khi chúng ta triển khai áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, dù là một xu thế chung nhưng đối các doanh nghiệp thực chất đang hoạt động kinh doanh việc áp dụng này sẽ là một tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông Nakajima Takeo nhận định.
Chính vì thế đại diện JETRO Hà Nội cho rằng: để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư “phải chăng Việt Nam sẽ có những giải pháp nào đó để bổ sung, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. “Hoặc tiếp tục có những chính sách ưu đãi hiện hành sẽ được tiếp tục và duy trì, tiếp tục vận dụng như thế nào… đó mới là những điểm mà các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam hiện nay đang rất quan tâm”, ông nhấn mạnh.
>>> Thuế suất tối thiểu toàn cầu tác động thế nào đến chiến lược thu hút FDI?
Một điểm thứ hai ông Nakajima Takeo chia sẻ đó là khi các doanh nghiệp quyết định đầu tư sẽ quan tâm đến việc thuế suất cao hay thấp. Tuy nhiên đó cũng không phải là điều quyết định, ngoài các yếu tố về thuế suất thì còn rất nhiều yếu tố khác nữa được cân nhắc đến.
Theo như kết quả khảo sát của JETRO Hà Nội về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam thì yếu tố tiềm năng tăng trưởng đứng ở vị trí thứ nhất, tiếp đó là quy mô của thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên trong đó thì cũng chỉ có 24% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam là đến từ các chính sách ưu đãi thuế.
Nhận định về vấn đề này, đại diện JETRO Hà Nội cũng nhấn mạnh: khi chúng ta nói về các chính sách thuế có một số điểm chung không chỉ của Việt Nam mà là của các nước ASEAN đó là các thủ tục về thuế cũng như các việc vận dụng các cơ chế thuế suất không hiệu quả. Có tới 60-70% các nước ASEAN đều gặp vấn đề này.
“Tôi nghĩ rằng các chính sách ưu đãi về thuế suất rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Việt Nam cần vận dụng những chính sách đó như thế nào và chúng ta cần phải đẩy nhanh nhất các tiến độ thể hiện tốc độ cũng như sự thuận tiện trong việc thực hiện ưu đãi - đấy mới là yếu tố mà các doanh nghiệp thực sự quan tâm", ông Nakajima Takeo một lần nữa nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 27/06/2023
03:02, 26/06/2023
02:00, 15/06/2023
00:00, 14/06/2023