Bình Phước: Điểm sáng phát triển kinh tế
Bình Phước xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là “chìa khóa” thu hút đầu tư, là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế.
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Mi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của Bình Phước dẫn đầu Vùng Đông Nam Bộ. Vậy đây là điểm nhấn trong phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Phước đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 7,27% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đứng thứ nhất vùng Đông Nam bộ và thứ 14 so với cả nước.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 8,64% so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 4,48% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp đang từng bước phục hồi, nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới tăng. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng phát triển chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu toàn ngành. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, gồm: Thức ăn cho gia cầm tăng 29,65%; Thịt gà đông lạnh tăng 24,84%; hạt điều nhân tăng 13,22%; đá xây dựng khác tăng 6,95%...
Vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 14.780,93 tỷ đồng, tăng 28,19% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 74,68% trong tổng vốn đầu tư, tăng 38,03% so với cùng kỳ năm trước, đây là kết quả của những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh.
- Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những điều kiện tiên quyết để thu hút các doanh nghiệp đến với tỉnh, thưa ông?
Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là “chìa khóa” thu hút đầu tư, động lực cho sự tăng trưởng kinh tế, trong những tháng đầu năm 2023, mặc dù phải đối diện trước khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, tỉnh Bình Phước vừa quyết liệt chỉ đạo các biện pháp kịp thời, vừa nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục nhanh, gọn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
>>Bình Dương và Bình Phước hợp sức triển khai đường cao tốc hơn 17.000 tỷ đồng
Tính từ đầu năm đến nay, có 500 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký 6.000 tỷ đồng, bằng 79,11% về số doanh nghiệp, bằng 77,30% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 41,70% kế hoạch năm. Lũy kế đến hết tháng 6/2023 số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 11.172 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 191.652 tỷ 907 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, thu hút đầu tư trong nước được 15 dự án với số vốn là 3.500 tỷ đồng, bằng 45,5% về số dự án và bằng 63,74% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI được 13 dự án với số vốn là 585,271 triệu USD; Điều chỉnh 91 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn cho 21 dự án với số vốn tăng là 46,424 triệu USD... Lũy kế đến ngày 14/6/2023, số dự án FDI trên địa bàn tỉnh là 378 dự án, vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.
- Là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm nay, Bình Phước đã đưa ra các giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn?
Để tiếp tục thu hút đầu tư FDI, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, ngày 3/7/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2030.
Theo đó, Bình Phước đã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể, trong đó, nhấn mạnh đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, lan tỏa; Phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài...
>>Bình Phước: 10 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này sẽ góp phần thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, mới, cao của CMCN 4.0; quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, mở rộng được thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm nội địa; thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong nước... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm