Hải Dương: Thúc đẩy liên kết vùng từ đường không đến đường bộ
Thời gian qua, Hải Dương đã triển khai kết nối hạ tầng giao thông với địa phương lân cận. Thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn thiện liên kết vùng từ đường không đến đường bộ với Hải Phòng, Quảng Ninh.
>>>Hải Dương: Kỳ vọng trở thành điểm đến của các doanh nghiệp đầu tư trong nước
Liên kết vùng từ đường không đến đường bộ
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Dương: Sở vừa mới có văn bản giao các bộ phận chức năng nghiên cứu tổ chức thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ Hải Dương đến các cảng hàng không Nội Bài, Cát Bi bằng xe ôtô.
Theo đó, Sở GTVT Hải Dương vừa ban hành văn bản triển khai, giao nhiệm vụ công tác tháng 7/2023, trong đó có một số nội dung liên quan đến lĩnh vực vận tải. Cụ thể, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái được giao nhiệm vụ phối hợp Văn phòng Ban ATGT tỉnh, Thanh tra Sở GTVT kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, rà soát, đánh giá hoạt động vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng, số lượng phục vụ đi lại của người dân để hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông. Tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở, Trung tâm Điều hành và giám sát GTVT thực hiện công tác giám sát và đề xuất xử lý vi phạm các hoạt động kinh doanh vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình và xử lý các phương tiện vi phạm tốc độ theo quy định.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, Sở đã giao cho bộ phận cơ quan ngành thuốc sở: "Chủ trì nghiên cứu tổ chức thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ Hải Dương đến các cảng hàng không Nội Bài, Cát Bi bằng xe ôtô".
Về vận tải khách bằng xe ôtô trên địa bàn tỉnh Hải Dương, theo Sở GTVT Hải Dương, trên địa bàn có 156 tuyến vận tải khách cố định, 281 xe đi trong tỉnh và 110 xe đi ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn có 611 xe taxi và 1.582 xe hợp đồng...
Trước đó, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện bình thường mới, Sở GTVT Hải Dương yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách thực hiện phương án khôi phục và bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn; đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Sở GTVT Hải Dương cũng đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động vận tải nhằm đảm bảo hoạt động vận tải được trật tự, an toàn, vận chuyển hàng hoá và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, đặc biệt trong công tác vận chuyển hành khách bằng xe ôtô.
Phát triển giao thông kết nối
Hải Dương hiện có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua tỉnh dài 40km; 82km đường gom cao tốc; 7 quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 189km; 21 đường tỉnh với tổng chiều dài 354km... Với hệ thống giao thông như vậy rất thuận lợi cho việc kết nối, giao thương giữa các vùng trong tỉnh, liên tỉnh cũng như với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển, cảng tàu khách quốc tế... Đây là thế mạnh nổi trội của Hải Dương.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương cho biết: Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua tỉnh Hải Dương huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông với quy mô đồng bộ, hiện đại, mang tính đột phá giúp tăng khả năng kết nối và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm có tính kết nối cao trên địa bàn tỉnh đã được ngành Giao thông Vận tải triển khai thực hiện cơ bản theo đúng tiến độ đề ra như: đường trục Bắc - Nam kết nối huyện Gia Lộc với huyện Ninh Giang; đường 62m kéo dài kết nối TP.Hải Dương với huyện Gia Lộc và nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường dẫn Cầu Hàn đoạn từ đường huyện 5B đến QL37 thuộc huyện Nam Sách, công trình cầu vượt trên QL5 tại nút giao với đường tỉnh 390D, QL37…
Bên cạnh đó, Hải Dương đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng triển khai xây dựng hàng loạt công trình giao thông kết nối tạo nền tảng phát triển kinh tế vùng như: Dự án cầu Triều và đường dẫn nối QL18 thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với đường tỉnh 398B thị xã Kinh Môn; dự án xây dựng cầu Dinh và đường dẫn nối đường tỉnh 389 thị xã Kinh Môn với đường tỉnh 352 huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng); dự án cầu Quang Thanh, cầu Dinh kết nối với TP Hải Phòng…
Theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hải Dương xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu nhằm kết nối hài hòa với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu đi lại tốt hơn của nhân dân, mà còn đi trước một bước, tạo cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng bền vững.
Có thể bạn quan tâm