Bên cạnh việc chú trọng đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì Hải Dương đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) với kỳ vọng trở thành điểm đến của các doanh nghiệp.
>>>Hải Dương: Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc
Thời gian qua, trong thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển, tỉnh Hải Dương luôn chú trọng nguồn vốn đầu tư trong nước. Đây là nguồn lực nội tại quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và đầu tư đạt hiệu quả cao nhất.
Điểm đến của các doanh nghiệp
Công ty TNHH Chế biến nông sản Tài Long là doanh nghiệp vừa được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư dự án nhà máy nông sản công nghệ cao tại huyện Bình Giang với tổng vốn đầu tư 67 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm, nhà máy phục vụ sơ chế, kinh doanh 6.000 tấn thóc, chế biến, kinh doanh 9.500 tấn gạo; đồng thời làm dịch vụ sấy 2.500 tấn thóc, xay xát, đánh bóng 2.500 tấn gạo.
Được biết, đây là một trong số 6 dự án mới được triển khai đầu năm nay, và là dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, phát triển từ hộ kinh doanh của tỉnh. Dự án đã gỡ bỏ nút thắt, vướng mắc trong việc hướng dẫn thủ tục đầu tư đối với dự án của hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Khi các dự án FDI phát triển mạnh thì các doanh nghiệp DDI sẽ góp phần cân đối cơ cấu đầu tư, tránh lệ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài. Từ đó, bức tranh kinh tế của tỉnh sẽ trở nên hài hoà khi có các dự án đầu tư phù hợp với điều kiện đất đai, giao thông, lao động… và quy mô vốn. Vì thế, dù tích cực xúc tiến đầu tư FDI thì tỉnh cũng không bỏ qua nguồn lực lớn trong nước. Những khó khăn, vướng mắc đang được các cấp, ngành trong tỉnh tích cực tháo gỡ để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, 6 tháng đầu năm, tổng thu hút vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh đạt 3.418 tỷ đồng, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tỉnh Hải Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án mới với tổng vốn đăng ký 535 tỷ đồng, tăng 2,2 lần và điều chỉnh 35 lượt dự án tổng mức đăng ký 2.883 tỷ đồng.
“Đón đầu” làn sóng đầu tư vào Hải Dương, cuối tháng 3, Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An đã điều chỉnh bổ sung hơn 2.300 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 2 của dự án.
Khu công nghiệp Đại An mở rộng có diện tích gần 228 ha sẽ được xây dựng hệ thống giao thông, công trình công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng sản xuất… Dự án này góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh, là cơ sở để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Theo kế hoạch, trong năm 2023, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện hạ tầng, tạo thuận lợi trong mời gọi đầu tư. Ngoài dự án khu công nghiệp Đại An mở rộng, vừa qua chủ đầu tư khu công nghiệp Tân Trường mở rộng cũng bổ sung hơn 480 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Chủ động tháo gỡ
Với kỳ vọng trở thành điểm đến của các doanh nghiệp, Hải Dương đã và đang chủ động tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nói chung, các doanh nghiệp trong nước nói riêng.
Theo đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình thu hút các dự án đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đạt kết quả tích cực với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng, tăng 18,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Sở kế hoạch & Đầu tư: Hiện nay, 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, đất đai, cấp phép lao động... Lãnh đạo tỉnh cũng tăng cường đối thoại, gặp gỡ các doanh nghiệp để trực tiếp động viên, chia sẻ, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư. Điều này sẽ tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh thông thoáng của tỉnh.
Hải Dương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn bằng việc khẩn trương triển khai chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích hộ cá thể chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp... Với những giải pháp quyết liệt, hy vọng trong thời gian tới, Hải Dương sẽ tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư trong nước với những dự án có quy mô, chất lượng.
Được biết, từ đầu năm đến nay tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 952 doanh nghiệp (tăng 10,7%), với tổng vốn điều lệ đăng ký 8.205 tỷ đồng (tăng 136%); có 436 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (bằng 79,6% so với cùng kỳ năm trước), 755 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (giảm 24%).
Theo tỉnh Hải Dương, khi các dự án FDI phát triển mạnh thì các doanh nghiệp DDI sẽ góp phần cân đối cơ cấu đầu tư, tránh lệ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài. Từ đó, bức tranh kinh tế của tỉnh sẽ trở nên hài hoà khi có các dự án đầu tư phù hợp với điều kiện đất đai, giao thông, lao động… và quy mô vốn. Vì thế, dù tích cực xúc tiến đầu tư FDI thì tỉnh cũng không bỏ qua nguồn lực lớn trong nước. Những khó khăn, vướng mắc đang được các cấp, ngành trong tỉnh tích cực tháo gỡ để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.
Được biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các DN lớn đầu tư vào tỉnh, chú trọng hỗ trợ phát triển các DN nhỏ và vừa, DN công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong loạt bài "Sớm đưa nghị quyết thành hành động để Hải Dương phát triển bứt phá, bền vững".
Ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch tỉnh Hải Dương: Để thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, Hải Dương cũng quy định cụ thể ngành nghề thu hút đầu tư và hạn chế đầu tư. Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng quy chế phối hợp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các bước đầu tư. Đẩy mạnh việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện đầu tư, tiết kiệm thời gian và tránh phát sinh. Coi con người là chìa khoá để mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư nên chú trọng việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và thái độ phục vụ để tạo thiện cảm với các nhà đầu tư.
Tỉnh chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đáp ứng theo quy mô đầu tư của các doanh nghiệp DDI. Ngoài thu hút các doanh nghiệp mới thì Hải Dương cũng quan tâm tới việc "nuôi dưỡng" các dự án đã đầu tư bằng những chính sách gỡ khó về vốn, tín dụng và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Từ đó, dần hình thành nguồn lực DDI ổn định và lớn mạnh.
Với những nền tảng đã có cùng với tiềm năng chưa được khai thác, Hải Dương hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm