Bắc Ninh: “Thủ phủ công nghiệp” ở miền Bắc
Sự hội tụ các tập đoàn đa quốc gia tại các KCN đã đưa Bắc Ninh vào Top tỉnh, thành dẫn đầu về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI của cả nước.
>>> FDI “đòn bẩy” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh
ĐẦU TƯ FDI “LÊN NGÔI”
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, dòng vốn FDI liên tục đổ về Bắc Ninh qua hàng năm, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 (tính từ tháng 6/2020 đến nay) có tổng số 357 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt 4.747,32 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh có 16 KCN đang hoạt động với 1.742 dự án FDI đang có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần hoặc phần vốn góp đạt 22.829 triệu USD. Các dự án FDI tại Bắc Ninh chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ chiếm 70% số dự án.
Trong 06 tháng đầu năm 2023, Bắc Ninh đã cấp mới 58 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 588,44 triệu USD; Cấp 350 lượt Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 885,93 triệu USD, đạt 73,75% kế hoạch thu hút đầu tư năm 2023 (1.200 triệu USD).
Lũy kế đến nay, đối với dự án thứ cấp, tỉnh đã cấp 1.867 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 24.324,86 triệu USD (trong đó 1.281 dự án thứ cấp FDI là 21.198,97 triệu USD; 586 dự án trong nước là 71.895,56 tỷ đồng tương đương 3.125,89 triệu USD), vượt 5,8% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Ban quản lý lần thứ IV (Đến cuối nhiệm kỳ, tổng vốn đầu tư thứ cấp vào các KCN Bắc Ninh đạt khoảng 23 tỷ USD). Dự kiến đến cuối nhiệm kỳ IV, tổng vốn đầu tư thứ cấp vào các KCN Bắc Ninh đạt khoảng 25 tỷ USD (điều chỉnh tăng thêm 2 tỷ USD so với mục tiêu Đại hội IV).
Đối với dự án hạ tầng KCN: 24 dự án hạ tầng KCN (FDI: 3 dự án; Trong nước: 21 dự án) được Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 2.118,45 triệu USD.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh đánh giá, đầu tư nước ngoài đã đóng góp rất lớn cho phát triển KT-XH của tỉnh, giúp giải quyết việc làm cho hơn 40% lực lượng lao động và người lao động đang làm việc tại Bắc Ninh, góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu ngành và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn.
XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀO KCN
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Trưởng ban BQL các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, Đối với Bắc Ninh, để duy trì vị trí dẫn đầu trong việc thu hút FDI, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cải cách TTHC. Các biện pháp này đang được triển khai thông qua việc tổ chức hội nghị về nâng cao các chỉ số quản trị và điều hành địa phương.
Trong định hướng thu hút đầu tư của mình, tỉnh Bắc Ninh ưu tiên lựa chọn các dự án theo tiêu chí “hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một không", đảm bảo sự phát triển bền vững. Do vậy, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao vào các KCN, cụ thể:
Thứ nhất, tích cực sáng tạo, linh hoạt trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, đúng trọng tâm, tăng trưởng cả chất và lượng, thu hút được những dự án lớn có tính chất lan toả.
Từ đầu năm 2023, Ban quản lý đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư cụ thể, chi tiết với kế hoạch mỗi quý sẽ tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư trong nước đối với các nhà đầu tư theo quốc gia trọng tâm như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tháng 3 và tháng 4/2023, Ban đã phối hợp với TCT phát triển đô thị Kinh Bắc tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư các ngành điện tử đến từ Trung Quốc, Đài Loan, thu hút hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan đã đến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh. Vừa qua, thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023, Ban quản lý đã thực hiện thành công chương trình xúc tiến đầu tư tại Đài Loan.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC, đảm bảo việc cải cách TTHC lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Duy trì hoạt động hiệu quả của bộ phận "một cửa" tại Trung tâm HCC tỉnh.
Thứ ba, giám sát chặt chẽ, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ tiến độ GPMB tại các dự án đang triển khai còn vướng mắc và những dự án mới được thành lập, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư theo đúng kế hoạch,..
Ông Long cho biết thêm, nhằm thực hiện công tác hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp KCN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp KCN, tổ công tác đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lòng tin, được nhà đầu tư, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao khi tổ chức hoạt động đầu tư vào các KCN tại Bắc Ninh.
Đây cũng là động lực lớn để Ban quản lý các KCN tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn nữa đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới, góp phần xây dựng các KCN Bắc Ninh ngày càng phát triển lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh Bắc Ninh.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Ninh xếp thứ 2 cả nước về chỉ số “Đào tạo lao động”
14:34, 13/07/2023
Bắc Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực tăng trưởng kinh tế
14:23, 13/07/2023
Bắc Ninh: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển nhanh, bền vững
13:58, 13/07/2023
Bắc Ninh: “Sẵn sàng” cùng doanh nghiệp
13:20, 13/07/2023
Bắc Ninh: Ngành Công Thương “chung tay” cùng doanh nghiệp vượt khó
14:04, 12/07/2023