Quảng Trị “trải thảm” đón FDI
Lần đầu tiên tại Quảng Trị, cuộc “gặp gỡ Thái Lan” được tổ chức, mang nhà đầu tư nước ngoài đến gần hơn với tiềm năng và lợi thế chưa được khai thác ở địa phương.
Tuy nhiên, để tăng cường thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, Quảng Trị cần tháo gỡ một số rào cản.
Mở rộng không gian hợp tác
“Gặp gỡ Thái Lan” tại Quảng Trị có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao hai nước, Bộ Năng lượng Thái Lan, các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Đặc biệt là sự có mặt của nhiều nhà đầu tư tiềm năng, lần đầu tiên được giới thiệu dư địa đầu tư hấp dẫn tại Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết: “Hội nghị là dịp quan trọng để Quảng Trị trực tiếp giới thiệu sâu hơn, cụ thể hơn các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch đến các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp đến từ Thái Lan”.
Ngài Nikorndej Balankura, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam cho rằng: “Quảng Trị và Thái Lan có thể tăng cường hợp tác trên 3 lĩnh vực: chính trị, kinh tế và kết nối nhân dân hai nước, phù hợp với chiến lược “3 kết nối” mà các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã thống nhất”.
Hiện nay, tại Quảng Trị có 7 dự án FDI của Thái Lan với tổng vốn đăng ký 100 triệu USD. Trong đó, một số dự án đã hoạt động có hiệu quả, như Nhà máy sản xuất săm, lốp Camel (15 triệu USD); Nhà máy nước tăng lực Super Horse (3 triệu USD), Nhà máy dăm gỗ và một số dự án năng lượng tái tạo.
Là điểm cầu phía Đông của EWEC, Quảng Trị còn dư địa đầu tư rất lớn, đặc biệt là hạ tầng giao thông cao tốc, cảng biển, trung tâm logictics,…- đảm nhiệm vai trò là khu vực trung chuyển hàng hóa quốc tế. Để EWEC có thể hoạt động, cần có nhà đầu tư “đại bàng” sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Quảng Trị đã gấp rút xây dựng 5 Khu công nghiệp tổng diện tích 1.700ha với hạ tầng hiện đại, đồng bộ; nhiều cơ chế ưu đãi thông thoáng, được đánh giá là phù hợp với sở thích của nhà đầu tư Thái Lan.
Thái Lan rất mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; cải tạo đất đai và chinh phục thiên nhiên; sở hữu quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản và chế biến xuất khẩu mang lại giá trị thặng dư hàng đầu.
Đổi lại, Quảng Trị còn quỹ đất nông nghiệp rất lớn nhưng bị hạn chế bởi thời tiết khắc nghiệt, hàm lượng áp dụng công nghệ thấp. Với phương châm “Doanh nghiệp phát triển, Quảng Trị phát triển”, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Thái Lan đến với địa phương.
Hai rào cản cần tháo gỡ
Theo nhiều chuyên gia, nỗ lực thu hút đầu tư không chỉ thể hiện trên lý thuyết, mà Quảng Trị cần có đột phá về hạ tầng, chính sách, quyết tâm chính trị,… để bổ khuyết những hạn chế mang tính khách quan. Bởi vì nhà đầu tư luôn có xu hướng chọn vị trí an toàn nhất, ít chi phí nhất.
Thứ nhất, Quảng Trị cần nhanh chóng giải quyết bài toán về hạ tầng giao thông. Hiện nay, Quốc lộ 9 là tuyến kết nối duy nhất EWEC phía Việt Nam. Con đường này đã xuống cấp, bộc lộ nhiều bất cập, không thể gánh vác được trọng trách thúc đẩy hình thành không gian thương mại, đầu tư, logictics quy mô lớn.
Hiện có 3 dự án giao thông được kỳ vọng thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương: Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; hình thành quốc lộ 15D nối cửa khẩu Quốc tế La Lay với cảng nước sâu Mỹ Thủy; sớm khởi công cảng hàng không vào cuối năm nay.
Thứ hai, yêu cầu cấp bách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được lượng hóa rất chi tiết và khoa học trong bộ chỉ số “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI). Theo đó, trong chỉ số PCI năm 2022 Quảng Trị xếp hạng 59/63 tỉnh, thành, giảm 18 bậc so với năm 2021, đó là thực trạng báo động.
Một số điểm “nóng” bị giảm điểm: chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số tính minh bạch, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số gia nhập thị trường và chỉ số thiết chế pháp lý - an ninh trật tự.
Tại đối thoại với doanh nghiệp hồi cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng hạ quyết tâm: Cộng đồng doanh nghiệp có thể hàng ngày, hàng giờ trao đổi, đề cập những vấn đề cần quan tâm tới lãnh đạo tỉnh qua điện thoại, mạng xã hội. Ngay sau buổi đối thoại, có hai đường dây nóng sẽ “nóng” lên, để lắng nghe doanh nghiệp.
Nếu không có nhà đầu tư đủ tầm và tâm, vẫn nặng tư duy nhiệm kỳ thì địa phương mãi lẹt đẹt, đa phần chỉ nhắm đến tài nguyên thiên nhiên “ăn xổi ở thì”, lợi bất cập hại.
Có thể bạn quan tâm