Bài học phát triển cho thấy, hạ tầng hoàn thiện là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính khả thi của quyết sách. Với kinh tế biên mậu, điều đó lại càng đúng đắn.
>>Logictics Quảng Trị: Những đòi hỏi bức thiết từ thực tế
Chúng tôi hành trình đến La Lay - Dakrong - Quảng Trị trong một ngày trời chuyển mưa rả rích, xuyên qua bạt ngàn đồi núi trên con đường nhỏ như sợi chỉ độc đạo treo lơ lửng giữa lưng chừng trời cho đến khi chỉ còn cách nước bạn Lào một bước chân. Không còn rầm rập xe cộ như cách đây vài tháng, nhưng trên tán lá hai bên vệ đường vẫn còn dấu tích của bụi than, mặt đường nứt, lún,… càng vào sâu càng đậm nét.
Đi hết con đường Hồ Chí Minh nhánh đông thuộc địa bàn huyện Dakrông sẽ bắt gặp quốc lộ 15D, chúng tôi bắt đầu cảm nhận thanh âm của một khu kinh tế biên mậu - đó là cửa khẩu quốc tế La Lay, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Salavan của nước bạn Lào.
Suốt 12 cây số của quốc lộ 15D, chốc chốc lại bắt gặp từng nhóm xe tải siêu trường siêu trọng nằm bất động bên đường, vài bãi than hạ tải đen ngòm ăn sâu vào lưng núi, vương vãi bụi than trên mặt đất, bám vào tán lá rừng.
Từ ngã ba A Ngo, con lộ bé xíu ngoằn ngoèo như chọc thẳng lên non, đang đi bỗng chốc lại dựng đứng rồi đổ ào xuống, chưa kịp cua lại bẻ thẳng, nền đường có khúc đùn lại rồi giãn ra để lại từng vệt sóng nhấp nhô mà chỉ những tay lái mang “thần kinh thép” mới dám ngồi trong buồng lái chiếc xe 4 chân cõng trên mình hàng chục tấn than đá.
Không gian cửa khẩu La Lay là bãi đất trống trập trùng đất đá, nhẫy nhụa bùn đất sau cơn mưa rừng tối hôm trước. Một vài chiếc xe qua lại biên giới hai nước, mấy người phụ nữ nhanh nhảu hớt hải đón chúng tôi bằng ánh mắt niềm nở, họ tưởng là khách xuất cảnh cần làm thủ tục, đổi tiền,...
>>Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bao giờ thành hình?
Ngoại trừ khu nhà điều hành liên hợp mới khánh thành đưa vào sử dụng chưa lâu, mọi thứ còn lại đều dở dang sau 10 năm thi công. Từ năm ngoái đến nay lưu lượng than đá từ Lào về tăng đột biến, cửa khẩu hoạt động hết công suất và hàng loạt bất cập về hạ tầng càng bộc lộ rõ.
Bên kia biên giới là mỏ than đá Sekong đang tăng tốc khai thác và xuất khẩu, vận chuyển qua cửa khẩu La Lay là tuyến đường ngắn nhất đến các trung tâm nhiệt điện của Việt Nam và xuất đi các nước trong khu vực qua các cảng biển ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Hoạt động biên mậu nằm trong chương trình hợp tác giữa hai chính phủ Việt - Lào.
Ông Hoàng Bá Linh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế La Lay cho biết, lưu lượng than tăng đột biến từ đầu năm 2023, có thời điểm trên 400 lượt xe/ngày. Tính đến ngày 30/7 đóng góp tới 398 tỷ đồng tiền thuế trên tổng số 400 tỷ đồng. Mở ra cơ hội lý tưởng giúp thay đổi bộ mặt kinh tế vùng biên.
Sự chậm trễ của hạ tầng liệu còn tồn tại đến bao giờ? Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu cửa khẩu. Theo đó La Lay sẽ được huy động khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó địa phương đối ứng 50% để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, bao gồm các hạng mục như Quốc môn; nhà kiểm soát liên hợp; hệ thống giao thông trục chính; nâng cấp quốc lộ 15D.
Vậy nhưng kinh phí xây dựng cơ bản hàng năm chỉ bố trí nhỏ giọt, không thấm vào đâu so với nhu cầu và tiềm năng bứt phá của địa phương. Một trong những hệ lụy đầu tiên mà chúng tôi tận thấy là tình trạng phát sinh bãi hạ tải than tự phát trên núi cao, bụi than cuối theo gió Lào, hòa vào cơn mưa âm thầm theo khe, suối đổ về sông biển.
Con đường vốn đã mỏng manh lại oằn mình ghánh cả đoàn xe tải trọng 40 - 50 tấn, rình rập nguy cơ tai nạn, ô nhiễm môi trường. Ông Bùi Đức Thành, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị cho biết: “Chúng tôi đã nhắc nhở, lập biên bản đề xuất xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp này dừng hoạt động trên, chờ ý kiến kết luận, hướng dẫn giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan”.
Quảng Trị giàu tiềm năng - điều đó đã được định lượng; lãnh đạo địa phương đầy khát vọng cách tân bộ mặt kinh tế tỉnh nhà, thể hiện tại nhiều dự án đồ sộ, ngày càng nhiều nhà đầu tư tầm cỡ tìm đến. Nhưng, Quảng Trị vẫn chưa giải quyết ổn thỏa bài toán “hạ tầng đi trước một bước”.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, hạ tầng sẵn sàng là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu chính trị. Đó cũng là con đường cái quan mà các địa phương nằm trong top đầu bảng xếp hạng “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI) từng kinh qua.
Thử phân tích vấn đề cụ thể của Quảng Trị: Khu kinh tế Đông Nam đang hình thành, trong đó có hệ thống cảng biển nước sâu phục vụ mục tiêu trung chuyển hàng hóa quy mô lớn trên hành lang kinh tế Đông Tây. Nhưng huyết mạch kết nối từ hai cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo về phía Đông quá thiếu và yếu.
Chưa nói đến tương lai sẽ vận chuyển hàng hóa gì? Khối lượng bao nhiêu? Nghĩa là bắt buộc phải hình thành các trung tâm sản xuất dọc trục Đông - Tây thì cảng nước sâu mới có cơ may thành hiện thực. Nếu không giải được nan đề này, thì “đại bàng” làm sao “xây tổ”?
Có thể bạn quan tâm
Quảng Trị: Doanh nghiệp “ấm ức” tuyến vận tải hành khách ra đảo Cồn Cỏ
11:00, 29/06/2023
Logictics Quảng Trị: Những đòi hỏi bức thiết từ thực tế
16:15, 22/06/2023
Dự án thật - giá trị thật: Tiêu điểm đầu tư mới cho thị trường BĐS Quảng Trị
14:01, 05/06/2023
Quảng Trị và thông điệp của hòa bình, thịnh vượng
14:41, 28/04/2023
Quảng Trị: Kỳ vọng mùa du lịch “nở hoa”
04:00, 28/03/2023
Quảng Trị: Xúc tiến du lịch khai phá những tiềm năng
02:00, 27/02/2023