Thái Bình: Lấn biển để mở ra không gian phát triển mới
Mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động lấn biển là giải pháp được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>>>Luật hoá hoạt động lấn biển
>>>GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Quản lý đất lấn biển sao cho đúng?
Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quy hoạch tỉnh Thái Bình được xây dựng với mục tiêu phấn đấu cao trên tinh thần quyết tâm và khát vọng vươn lên để sánh ngang với các tỉnh trong khu vực.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, tỉnh Thái Bình xác định 3 khâu đột phá - 4 trụ cột tăng trưởng - 5 nền tảng - 6 quan điểm phát triển và 7 nhóm giải pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, có những định hướng mới mang tính chiến lược và đột phá như: Xây dựng khu công nghiệp chuyên dược, xây dựng cảng biển, phát triển năng lượng (điện khí, điện gió), phát triển các ngành dịch vụ mới, chất lượng cao (dịch vụ giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, golf…) và chuẩn bị các hệ điều kiện để thực hiện phương án lấn biển, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo UBND tỉnh Thái Bình, Thái Bình là một tỉnh “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước. Vì vậy, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động lấn biển là giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long, Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ...
>>>Nguồn lợi “khổng lồ” từ những công trình lấn biển
>>>“Luật hóa” hoạt động lấn biển
Theo phân tích của đơn vị tư vấn, Thái Bình nằm trong hành lang kinh tế phía Đông, mặt tiền hướng ra biển của vùng Đồng bằng sông Hồng, với chuỗi liên kết các hoạt động kinh tế gắn biển như: công nghiệp chế tạo, năng lượng, dịch vụ vận tải biển, du lịch, thủy sản, khai thác tài nguyên biển... Là tỉnh đi sau, chịu tác động lan tỏa của các trung tâm kinh tế biển mạnh là Quảng Ninh, Hải Phòng, cùng với quá trình tăng cường nâng cấp hạ tầng kết nối ven biển, Thái Bình có nhiều dư địa để khai thác trong vai trò là một trung tâm mới thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ mới, hỗ trợ và kết nối các hoạt động chung của toàn vùng hướng mạnh vào các hoạt động kinh tế biển.
Ông Nguyễn Vũ Trung – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, lấn biển là xu thế tất yếu, tự nhiên của Thái Bình. Việc lấn biển, hình thành các khu công nghiệp ven biển sẽ giúp Thái Bình kết nối với TP. Hải Phòng thông qua tuyến đường ven biển. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý phân tích rõ khả năng bồi tụ phù sa để có lộ trình lấn biển phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, lấn biển, giảm diện tích các khu bảo tồn là vấn đề lớn cần làm rõ và phải có luận cứ.
Về mặt pháp luật, theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu 5 - 10 năm trước, mong muốn lấn biển bị hạn chế bởi không gian chính sách, thì trong thời kỳ quy hoạch lần này, Thái Bình đang có những thuận lợi hơn, khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét có nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.
Hiện, Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, sẽ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, chỉ đạo cơ quan lập Quy hoạch tỉnh khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn và các cơ quan có liên quan sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cho rằng, nội dung quy hoạch đã thể hiện được khát vọng phát triển vươn lên của tỉnh đồng thời thể hiện được sự liên kết đồng bộ trong định hướng phát triển nhất là về kết cấu hạ tầng, sắp xếp, phân bổ không gian.
Đồng thời yêu cầu, tỉnh Thái Bình cần phải làm rõ hơn quy trình lập Quy hoạch tỉnh, thể hiện rõ hơn được sự đồng thuận, thống nhất giữa các ngành, địa phương trong tỉnh về định hướng phát triển cũng như tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhấn mạnh rõ vị trí, vai trò, sứ mệnh của tỉnh trong vùng về các vấn đề như an ninh lương thực, gìn giữ các giá trị văn hóa, kết nối giao thông, các vấn đề xã hội, du lịch, phát triển kinh tế. Bám sát các nghị quyết mới của trung ương về phát triển vùng, quy hoạch ngành đã được phê duyệt trên cơ sở đó chỉnh sửa kịp thời cho phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Luật hoá hoạt động lấn biển
14:13, 14/03/2023
Luật Đất đai sửa đổi: Bổ sung quy định quản lý và sử dụng đất lấn biển
11:10, 08/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển
20:30, 18/08/2022
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Quản lý đất lấn biển sao cho đúng?
03:00, 09/08/2022