Tại hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện tỉnh Kiên Giang đề xuất cần nghiên cứu xây dựng một điều riêng về lấn biển.
>>> Dự thảo Nghị định về lấn biển: Một số quy định cần được làm rõ
Sáng 14/3, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các cơ quan thuộc Quốc hội, các Bộ ngành Trung ương và 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Đại diện tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tại khoản 3, Điều 183 Dự thảo Luật Đất đai có quy định việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để thực hiện dự án lấn biển. Tuy nhiên, trong thực tế, nhất là ở khu vực ĐBSCL, việc lấn biển có ảnh hưởng đến phạm vi của 3 khu vực: đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển.
"Do đó, cần nghiên cứu Luật hóa (xây dựng 1 điều riêng về lấn biển), thực hiện dự án lấn biển theo hướng không phân biệt sử dụng các loại đất theo ranh giới hiện trạng (dất bãi bồi ven biển, dất có mặt nước ven biển, khu vực biển) mà thực hiện thủ tục đất đai theo loại đất đã hình thành sau khi lấn biển theo quy hoạch sử dụng quy hoạch dựng. Đồng thời quy định rõ phương pháp định giá đất đối với dự án lấn biển là phương pháp thặng dư”, ông Nguyễn Thanh Nhàn nêu rõ.
Kiên Giang cũng kiến nghị bổ sung đất bãi bồi ven biển được giao để thực hiện dự án lấn biển trong Điều 184 của Dự thảo luật.
Theo nghiên cứu của Bộ TNMT, lấn biển đã được thực hiện ở nhiều quốc gia: Ai Cập, Maroc, Senegal và Tunisia (Châu Phi); ở Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc, Pakistan, Thái Lan (Châu Á); ở Bỉ, Đan Mạch, Đức, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Anh, Nga (Châu Âu); ở Argentina, Colombia, Suriname, Venezuela, Châu Mỹ...
>>> Luật Đất đai sửa đổi: Bổ sung quy định quản lý và sử dụng đất lấn biển
Các đô thị lấn biển quy mô lớn trên thế giới có thể kể đến là Rotterdam ở Hà Lan; Cảng New York, New Jersey, và San Francisco ở Mỹ; Rio de Janeiro và Rio Grande ở Brazil; Thượng Hải, Singapore và Tokyo ở Đông Á…
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển, phục vụ phát triển bền vững. Địa hình nhiều sông ngòi giúp các đồng bằng châu thổ của nước ta được mở rộng tự nhiên do phù sa bồi đắp hàng năm.
Hoạt động lấn biển trên thực tế tại Việt Nam đã và đang được thực hiện để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội: Dự án hạ tầng khu công nghiệp - cảng biển - khu phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng), Khu đô thị du lịch Hùng Thắng và Khu đô thị mới Halong Marina (Quảng Ninh), Khu đô thị quốc tế Đa Phước và Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang New Town (Đà Nẵng), Khu đô thị mới Rạch Giá (Kiên Giang)…
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trước đó, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh – Chuyên gia pháp lý cho biết: Mặc dù Điều 9 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất “khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng…” nhưng pháp luật đất đai hiện hành chưa có các quy định nhằm cụ thể hóa. Do vậy, chính sách khuyến khích lấn biển tạo quỹ đất cho đến nay vẫn chỉ mang tính chất nguyên tắc.
Theo Nghị quyết số 134/2020/QH14, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển. Chính phủ đã giao Bộ TNMT nghiên cứu, soạn thảo dự thảo Nghị định về lấn biển, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, thành viên Chính phủ. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, Nghị định về lấn biển vẫn chưa được ban hành.
Ông Đỉnh đề xuất, việc quản lý, sử dụng đất sau lấn biển cần được làm rõ trong Nghị định về lấn biển, đồng thời cần được “luật hóa” khi Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đồng thời kiến nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung các hình thức khác: Dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài đầu tư công; dự án lấn biển sử dụng vốn hỗn hợp; dự án lấn biển theo phương thức đối tác công - tư… để tạo khung khổ pháp lý triển khai.
Có thể bạn quan tâm
Luật Đất đai sửa đổi: Bổ sung quy định quản lý và sử dụng đất lấn biển
11:10, 08/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển
20:30, 18/08/2022
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Quản lý đất lấn biển sao cho đúng?
03:00, 09/08/2022
Nguồn lợi “khổng lồ” từ những công trình lấn biển
08:10, 30/06/2022