Thái Bình với diện tích khiêm tốn so với cả nước nhưng mật độ dân số gấp 4 lần mức trung bình, việc tìm kiếm không gian phát triển mới là một yêu cầu bức thiết.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 243/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Thái Bình nghiên cứu các phương án lấn biển để phát triển công nghiệp, xây dựng sân bay, cảng biển…
Lấn biển để phát triển bền vững
Theo UBND tỉnh Thái Bình, Thái Bình là một tỉnh “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước. Khi không gian phát triển trên đất liền dần trở nên hữu hạn, việc tiến ra biển càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thái Bình không thể mãi khuôn cứng trong lối đi thuần nông mà cần một sự chuyển mình mạnh mẽ để "sinh sôi" và phát triển bền vững.
Trong quy hoạch phát triển của Thái Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, được công bố vào tháng 3/2024, chính là sự tập trung mạnh mẽ vào chiến lược lấn biển khi 4 trụ cột và 3 hướng đột phá đều xoay quanh việc khai thác tiềm năng vô giá từ biển cả. Lấn biển không chỉ là mở rộng quỹ đất. Lấn biển được xác định là đòn bẩy để hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ - du lịch đồng bộ, tạo ra những đột phá về cảng biển, năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng và cảnh quan sinh thái biển.
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Thái Bình vào năm 2017 là một dấu mốc quan trọng trong hành trình “vươn ra biển” của Thái Bình. Với quy mô ấn tượng bao gồm 22 khu công nghiệp (8.020 ha), khu cảng biển (500 ha), trung tâm điện lực (853 ha), khu du lịch dịch vụ (3.110 ha), các khu nông, lâm nghiệp và thủy sản (4.715 ha), cùng 3.000 ha dành cho phát triển đô thị, khu kinh tế này được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá lớn cho tỉnh Thái Bình.
Mục tiêu "vươn ra biển" và "làm giàu từ biển" của Thái Bình hiện tại có đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Theo ông Nguyễn Quang Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, nếu được thực hiện đúng hướng, sẽ đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển mới của Đồng bằng sông Hồng.
Sự chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh "thuần nông" sang một trung tâm công nghiệp hiện đại chính là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Từ một khu công nghiệp nhỏ lẻ (Phúc Khánh, 120ha) và một vài dự án FDI, Thái Bình hiện đã có 10 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 2.600ha, thu hút 333 dự án đầu tư, trong đó có 83 dự án FDI với tổng vốn đăng ký ấn tượng 4,3 tỷ USD. Đặc biệt, việc thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023, đưa Thái Bình lần đầu tiên lọt vào top 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, là một dấu ấn không thể phủ nhận.
Khơi dậy truyền thống “quai đê lấn biển” trong kỷ nguyên mới
Tâm thế "hướng biển" của Thái Bình không chỉ là một chủ trương mới mẻ mà còn được nuôi dưỡng từ truyền thống "quai đê lấn biển" hào hùng của cha ông, mà đỉnh cao là công cuộc khẩn hoang Tiền Hải do doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ lĩnh xướng vào thế kỷ XIX, mở ra con đường vươn ra biển cho người dân Thái Bình.
Nhìn ra được nguyên cớ chính của bất ổn chính trị là tình trạng “không có ruộng đất, không có nghiệp thường để làm ăn,” dẫn đến đời sống khốn cùng của người dân Tiền Châu xưa, Nguyễn Công Trứ đã dâng sớ lên triều đình, đề xuất tổ chức cho nông dân nghèo quai đê lấn biển. Với quyết tâm cao độ, chỉ trong sáu tháng, vùng đất ngập mặn rộng lớn, nơi triều tràn vào từ sông Lân, sông Trà và sông Cá, đã được đắp đê và cải tạo thủy nông, hình thành hàng vạn mẫu ruộng, tạo nên huyện Tiền Hải trù phú như hôm nay.
Cuộc khẩn hoang tại bãi Tiền Châu hai thế kỷ trước đã trở thành một sự kiện lịch sử thành công lớn, không chỉ về quy mô mà còn về hiệu quả. Giá trị của công cuộc khai hoang không chỉ là việc tạo ra vùng đất Tiền Hải, mà còn là biểu tượng cho ý chí, sáng tạo và dũng cảm của người dân Thái Bình.
Sau gần hai thế kỷ, chủ trương “lấn biển” một lần nữa được tái hiện trong chiến lược phát triển mới của Thái Bình. Tuy nhiên, ngày nay, "lấn biển" không còn là việc dùng sức người với công cụ thô sơ để tạo ra ruộng đất nữa. PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta cần tránh cách thức khai thác biển theo lối “con cò lặn lội bờ sông”, “đánh bắt ven bờ”, không dám vươn ra biển khơi, không mang tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương. Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược phải trở thành một nhu cầu bức bách, đồng thời là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy mang tính bùng nổ của Việt Nam. Cả hệ thống kinh tế “mặt tiền” – đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) – cũng phải phát triển mạnh.
Ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Minh Phú cho biết, với một tỉnh có mật độ dân số cao và quỹ đất hữu hạn như Thái Bình, việc mở rộng không gian phát triển là điều bắt buộc. Nếu thành công, đây sẽ là chìa khóa để tỉnh tạo ra những khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới với quy mô lớn. Việc lấn biển không chỉ giải quyết bài toán quỹ đất mà còn tạo ra lợi thế chiến lược về logistics, về du lịch, kết nối trực tiếp với các tuyến giao thương quốc tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách thức triển khai phải đảm bảo tính bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển.
Từ danh xưng "đất lúa" hay "quê hương năm tấn", Thái Bình đang chuyển mình mạnh mẽ, đặt nền móng cho một tương lai phát triển toàn diện, nơi kinh tế biển đóng vai trò trọng tâm. Tiếng vọng từ bản hùng ca khai hoang, lấn biển của Nguyễn Công Trứ dường như đang được xướng lên bởi con người Thái Bình trong kỷ nguyên mới, đánh dấu hành trình chuyển mình của quê lúa.