Lạng Sơn: Tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất
Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn xác định mục tiêu tiếp tục duy trì thứ hạng PCI, PGI và tập trung cải thiện những Chỉ số thấp điểm.
Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được cải thiện rõ rệt, trong đó, các thủ tục hành chính được cắt giảm; cán bộ, công chức, viên chức đã có sự thay đổi về tư duy, nhận thức; Hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ngày càng được cải thiện, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, việc thực hiện các giao dịch liên quan đến thủ tục hành chính hiện đã thuận lợi hơn trước. Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh đã kịp thời động viên, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đi vào ổn định sản xuất, kinh doanh. Điều này được các doanh nghiệp phản ánh trung thực qua kết quả PCI năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn một số Chỉ số doanh nghiệp chưa đánh giá cao gồm: Chỉ số Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Tính năng động và tiên phong của chính quyền và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Được biết, năm 2023, tỉnh Lạng Sơn xác định mục tiêu tiếp tục duy trì thứ hạng PCI, PGI và tập trung cải thiện những Chỉ số thấp điểm. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, bên cạnh triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư đăng ký và triển khai dự án đầu tư ngoài ngân sách thì tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Tổ trưởng để chỉ đạo tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh có các Tổ công tác hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các huyện, thành phố tiếp tục triển khai hỗ trợ nhà đầu tư tại địa phương. Ban hành Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Triển khai rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, ngành chỉ đạo tập trung thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận về các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tham mưu Ban chỉ đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh, phấn đấu Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác đầu tư công, tham mưu cho UBND tỉnh để sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm năm 2023... Bên cạnh đó, ngành tiếp tục nâng cao công tác thẩm định các dự án đầu tư, thu hút đầu tư và tiếp tục thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đang chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cung cấp thông tin về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát các địa điểm nhà đầu tư quan tâm; Hỗ trợ, tư vấn miễn phí thủ tục thành lập doanh nghiệp, các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính khác thuộc thẩm quyền của địa phương từ giai đoạn khảo sát, nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 07 dự án, tổng vốn đầu tư 2.027 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 21 dự án, số vốn tăng thêm 53,53 tỷ đồng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn với tổng số vốn đầu tư 6.361,3 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm