Quảng Nam tích cực chống khai thác IUU
Xác định việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ cấp bách, tỉnh Quảng Nam đã tích triển khai các hoạt động quản lý, kiểm soát tàu cá để chuẩn bị cho lần kiểm tra tới.
>>Miền Trung “chạy nước rút” gỡ thẻ vàng IUU
Theo tìm hiểu, tại Quảng Nam hiện đang có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động cùng với 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản khai thác đến đầu tháng 9/2023 đạt hơn 74.250 tấn/95.000 tấn (64,74% kế hoạch năm 2023). Là một địa phương có thế mạnh về nghề cá, địa phương này cũng đã xác định rõ công tác hợp sức cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU là cáp thiết.
Đối với nhiệm vụ này, tỉnh Quảng Nam đã giao Sở NN&PTNT cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các địa phương, cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý. Cùng với đó, Sở này sẽ kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng và theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Đồng thời, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác, tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương,...
Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, đơn vị này nhận nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên. Kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, chuộc tàu cá, ngư dân về nước trái phép.
Đặc biệt, không để tàu cá xuất bến khi không có đầy đủ các giấy tờ hành chính như Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, 4 Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Sổ Danh bạ thuyền viên tàu cá, chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy,… theo quy định và các tàu cá hoạt động vùng khơi (chiều dài tàu ≥ 15m) nhưng không có tín hiệu giám sát hành trình tàu cá.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã giao UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong Nhân dân về ý thức tôn trọng, chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản trên biển. Các địa phương phải nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Tại công văn giao nhiệm vụ cũng đã nêu rõ Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để Đoàn Thanh tra phát hiện các tàu cá của địa phương chưa thực hiện đăng ký tàu cá, chưa được cấp Giấy phép khai thác đi hoạt động khai thác thủy sản.
Tại buổi kiểm tra mới đây, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Quảng Nam thông tin hoạt động chống khai thác IUU thời gian qua đạt được một số kết quả tốt. Thông tin từ vị này, tổng số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được Chi cục Thủy sản thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP là 638/648 tàu, chiếm tỷ lệ 98,4%.
Cũng theo ông Ngô Tấn, đã có 641 tàu cá từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình (chiếm 99%). Với số tàu còn lại là 7 tàu cá do đóng theo Nghị định 67, tàu ở tỉnh khác, tàu có công suất dưới 90CV và tàu có công suất nhưng không hoạt động và 2 năm gần đây, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý.
Theo số liệu, trong năm 2023 Quảng Nam có 34 vụ tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên và đã được xử lý. Trong năm 2022 và giai đoạn hiện tại, Quảng Nam đã thanh tra, kiểm tra,... và xử phạt hành chính 244 vụ vi phạm quy định trong hoạt động khai thác IUU với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng.
“Hiện nay tỷ lệ tàu cá có chiều dài dưới 15m được cấp đăng ký, giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm còn thấp, việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase) chưa kịp thời. Ngoài ra, việc lưu trữ hồ sơ chưa khoa học dẫn đến truy xuất hồ sơ phục vụ cho công tác kiểm tra còn chậm. Tàu cá không thông báo trước khi cập cảng vẫn cho cập cảng bốc dỡ thủy sản từ khai thác nhưng không xử lý theo quy định”, ông Tấn nói.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng Quảng Nam cần giải quyết những tồn tại để đợt thanh tra lần thứ 4 của EC vào tháng 10 tới không gặp lúng túng, bị động. Theo ông Tiến, công tác quản lý tàu cá phải giám sát chặt chẽ, sâu sát chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký khai thác đầy đủ, chính xác, không đối phó, kiểm tra, rà soát lại việc đăng kiểm tàu cá, mất kết nối chủ động.
“Cần đảm bảo việc xử phạt hành chính đúng hành vi, đúng mức phạt và đúng người phạt. Nhiệm vụ IUU là cấp bách, ảnh hưởng đến vị thế, kinh tế của nước ta trên trường quốc tế. Do đó, Quảng Nam cũng như các tỉnh thành khác cần quan tâm và có cơ chế đầu tư hệ thống hạ tầng thủy sản để việc quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát, xử lý hành chính sẽ đảm bảo đúng quy định”, ông Tiến đề xuất.
Có thể bạn quan tâm