Sóc Trăng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Sóc Trăng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh, để những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh đến gần hơn với doanh nghiệp.
>> PCI 2022: Sóc Trăng nhất quán thông điệp “Đồng hành - Hợp tác - Phát triển”
Thời gian qua, nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi tường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng phục vụ với phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp.
Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường công tác cung cấp thông tin, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư để vận động đầu tư, phân công đơn vị đầu mối theo dõi công tác thu hút và hỗ trợ đầu tư đối với từng dự án cụ thể.
Tỉnh đã thành lập và triển khai hiệu quả các hoạt động của Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời gian qua, Sóc Trăng đã có những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Sóc Trăng tăng 20 bậc so với năm 2021 và là năm đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh trong vòng 5 năm trở lại đây. Kết quả này cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên toàn tỉnh đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Về công tác thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh đã tiếp và làm việc hơn 280 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 47 dự án, với tổng vốn đăng ký 51.208,9 tỷ đồng, tăng 4 dự án so với giai đoạn 2017-2019. Một số dự án với quy mô lớn đã đi vào hoạt động, như: 4 nhà máy điện gió đã vận hành thương mại, các nhà máy sản xuất hàng may mặc trong khu công nghiệp, các nhà máy chế biến thủy hải sản… đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Tại Hội nghị, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 04 dự án với tổng vốn 12.078 tỷ đồng, đồng thời đã ký kết 18 bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư, với tổng vốn đầu tư các dự án là 212.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, năng lượng, giao thông, xây dựng, đô thị, logistics, chuyển đổi số… Đến nay, 14/18 nhà đầu tư tham gia ký bản ghi nhớ có đề xuất dự án và các hoạt động hợp tác cụ thể.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, tỉnh đã xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề; tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề.
Ông Dương Văn Ngoảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng cho rằng, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, trong thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục tăng cường truyền thông về việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh để những nỗ lực của tỉnh trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đến gần hơn với doanh nghiệp chứ không chỉ dựa vào “cảm nhận của doanh nghiệp”.
Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Chuẩn hóa đội ngũ công chức về trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi giải quyết thủ tục hành chính không đúng quy định, có hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu; đặc biệt lưu ý đối với công chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy, môi trường.
Cùng với việc bám sát, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh cấp tỉnh theo các văn bản: Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 22/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Sóc Trăng; Kế hoạch số 149/KH-UBND, ngày 13/10/ 2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng về cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Sóc Trăng và Công văn số 2181/UBND-TH, ngày 11/8/2023 của UBND tỉnh về việc tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động thuận lợi trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp mà tỉnh đã đưa ra tại đơn vị.
“Với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh sẽ có những bước khởi sắc hơn nữa, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, từ đó nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới” – ông Dương Văn Ngoảnh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm