Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

THU DUYÊN 02/10/2023 12:24

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu, để các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt và tham gia sâu rộng vào thị trường trong nước và quốc tế.

>>>Doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để thích ứng

Không chỉ là ứng dụng công nghệ

Tham dự sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2023 do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cần chuyển đổi số dưới góc độ đổi mới sáng tạo. không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Chuyển đổi xanh không chỉ là công nghệ hướng tới môi trường; mà còn là thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh hướng tới nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

gd

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu, đây không còn là việc nên làm mà trở thành việc bắt buộc phải làm để các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt và tham gia sâu rộng vào thị trường trong nước và quốc tế. Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)..., các hiệp định FTA đã có nhiều yêu cầu rất khắt khe về phát triển xanh, phát triển bền vững, cũng như có các điều khoản thành lập các cơ quan liên quan đến chuyển đổi số.

Trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, dự báo nhu cầu về năng lượng và điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trưởng nhanh, với nhu cầu điện năng trong 5 năm tới được dự báo tăng trưởng khoảng 8,5%/năm, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây tác động không tốt đến môi trường. Vậy nên, chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản hướng tới tăng trưởng xanh, đây được coi là xu thế tất yếu.

Bên cạnh đó, hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, phát triển đưa vào ứng dụng các công nghệ nhằm sử dụng tiết kiện, có hiệu quả các nguồn năng lượng là hết sức cần thiết. Tiết kiệm năng lượng được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”, là nguồn năng lượng “kinh tế nhất”, “rẻ nhất” để tăng cường nguồn cung năng lượng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia. Các số liệu gần đây cho thấy, mặc dù hệ số đàn hồi điện của Việt Nam đã giảm từ 2 lần vào năm 2010 xuống còn 1,49 lần năm 2021, điều đó khẳng định sử dụng điện có xu thế tiết kiệm và hiệu quả hơn qua các năm. Tuy nhiên, so với thế giới và khu vực thông số này vẫn còn cao, với hệ số đàn hồi trung bình của các nước sử dụng năng lượng hiệu quả là dưới 1 lần. Qua đó có thể thấy, dư địa về tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

>>>Giải pháp chuyển đổi số tổng thể cho doanh nghiệp

Phát triển từ 'nâu" sang "xanh"

Chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản hướng tới tăng trưởng xanh được coi là xu thế tất yếu. Quảng Ninh là tỉnh có trữ lượng than lớn nhất Việt Nam, là nguồn cung nguyên liệu và năng lượng của quốc gia. Đồng thời, Quảng Ninh được xem là một "Việt Nam thu nhỏ" với đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Phát biểu tại Techconnect and Innovation Vietnam 2023 tổ chức tại Quảng Ninh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát huy nội lực, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường. Hiện, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang có sự đóng góp rất lớn trong cơ cấu kinh tế và tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh.

Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã phát triển theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng dần từ 9,8% năm 2020 lên 11,5% năm 2022. Công nghiệp khai khoáng và phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Ninh không chỉ bảo đảm nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh nói riêng mà còn đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nói chung và duy trì đà tăng trưởng của tỉnh 2 con số trong 7 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay. Trong năm 2023, tỉnh đang phấn đấu thu hút FDI 1,5 tỷ đô la từ các tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao.Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tẩm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than; đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường. Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; kêu gọi đầu tư phát tiển điện khí LNG; phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi và các dự án điện tận dụng khí, nhiệt thải để phát điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Hà Phương nhận định: Hiện nay, việc sử dụng năng lượng điện và năng lượng nhiệt trong sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp đang rất được quan tâm. Trên thế giới nói chung và Quảng Ninh nói riêng, việc hướng tới sử dụng năng lượng sạch như: Năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời,… đang mang lại hiệu quả rất cao. Vì vậy, tôi nhận định rằng, việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển, sử dụng nguồn năng lượng đang rất cần thiết và cần được nhân rộng.

Còn theo ông Alessandro Antonioli, Giám đốc phụ trách điện gió ngoài khơi thị trường Việt Nam, Tập đoàn BP: Quảng Ninh có tiềm năng điện gió dồi dào. Tỉnh Quảng Ninh có nhiều điều kiện tự nhiên để xây dựng các nhà máy điện gió. Bên cạnh đó, tỉnh còn thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm và cũng là địa phương có khả năng thu hút đầu tư và phát triển nguồn năng lượng sạch. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Ninh để bàn các giải pháp thúc đẩy đầu tư, kết nối với các đơn vị trên địa bàn để thu thập dữ liệu, xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng điện gió phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh theo từng giai đoạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Mô hình vận hành và chuyển đổi số

    Mô hình vận hành và chuyển đổi số

    02:30, 16/09/2023

  • Chuyển đổi số theo cách của “con nhà nghèo”

    Chuyển đổi số theo cách của “con nhà nghèo”

    02:30, 09/09/2023

  • GenZ & công cuộc chuyển đổi số

    GenZ & công cuộc chuyển đổi số

    13:30, 21/09/2023

THU DUYÊN