Tại những doanh nghiệp công nghiệp truyền thống, hệ thống máy móc thiết bị vừa nhiều vừa phức tạp, đa hệ nhưng khi chuyển đổi số, doanh nghiệp không thể bỏ hết để đầu tư mới.
>>Không thể chờ đợi giải quyết hết các rào cản rồi mới chuyển đổi số
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng Giám đốc công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết: Chúng ta không phải con nhà giàu để vứt bỏ máy móc cũ rồi đầu tư giải pháp, thiết bị mới rất tốn kém. Tốt nhất là tìm cách để những thiết bị máy móc cọc cạch có thể “nói chuyện” được với nhau.
- Thực hiện số hoá sản xuất trên nền của hệ thống thiết bị cũ được vận hành nhiều năm, thách thức này đã được doanh nghiệp giải quyết thế nào, thưa ông?
Trong giai đoạn ngắn hạn, từ năm 2025 - 2030, chúng tôi hướng đến cung cấp giải pháp đồng bộ dựa trên công nghệ lõi là công nghệ chiếu sáng và vạn vật kết nối (IoT), góp phần kiến tạo nên ngôi nhà thông minh (smart home), thành phố thông minh (smart city) và nông nghiệp công nghệ cao (smart farm). Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thành sứ mệnh của mình, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng cơ hội kinh doanh từ thương mại đa kênh trong kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển được hệ sinh thái mới, với xuất phát điểm là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống hơn 60 tuổi đời, tại Rạng Đông có nhiều thế hệ máy móc thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau. Chúng ta không phải con nhà giàu để vứt bỏ máy móc cũ, đầu tư dây chuyền mới. Chúng tôi tham khảo giải pháp của đối tác nước ngoài để xây dựng nhà máy thông minh cần 2 triệu USD, chưa kể kinh phí đầu tư thiết bị. Tốn kém như vậy, chúng ta làm gì có tiền.
Để giải bài toán khó này, Rạng Đông đã ứng dụng giải pháp OPC UA còn gọi là kiến trúc hợp nhất các nền tảng thông tin mở để từng bước làm cho máy móc nói chuyện được với nhau. Từ đó mới có cơ sở để ứng dụng hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA), hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
- Có thể hiểu, số hoá quy trình sản xuất để chuyển đổi số cần đi từ chính doanh nghiệp để lựa chọn con đường phù hợp?
Đúng là như vậy. Chúng ta vẫn thường nói, giải pháp công nghệ có thể giải quyết được những thách thức cho doanh nghiệp nhưng ngay công nghệ, khi chúng tôi áp dụng giải pháp nào cũng thấy phức tạp lắm. Do đó, phải tìm mọi cách học của họ để vận dụng theo cách của mình cho phù hợp với thực tế doanh nghiệp và con đường đã lựa chọn.
Trở lại với câu chuyện thông minh hóa sản xuất của Rạng Đông từ hệ thống máy móc cũ, trước hết, chúng tôi phải nâng cao trình độ tự động hóa cho từng cụm máy móc. Tiếp đến, chúng tôi thực hiện các bước tiếp theo: kết nối để máy móc “nói chuyện” với nhau (Machine to Machine), cho máy móc giao lưu dữ liệu với nhau, xây dựng hệ thống điều khiển và giám sát (SCADA), điều khiển hệ thống vận hành trong sản xuất và tích hợp hệ thống quản trị nguồn lực trong sản xuất (MRP).
Ngoài ra, với doanh nghiệp truyền thống như Rạng Đông, quy trình đóng vai trò rất quan trọng nhưng trên thực tế, quy trình rất lủng củng. Việc chuẩn hoá quy trình thông qua việc áp dụng công nghệ quản trị mới là rất quan trọng. Cùng với quá trình kết nối thiết bị, công ty đã từng bước tối ưu hoá quy trình. Hy vọng sau nhiều lần chuẩn hoá, doanh nghiệp có được quy trình tối ưu. Do đó, chúng tôi nhận thức thế này, chuyển đổi số là quá trình tiến hóa, có điểm đầu mà không có điểm cuối.
- Từ doanh nghiệp truyền thống với sản phẩm chủ lực nhiều năm là bóng đèn và phích nước, chuyển đổi số đã tạo ra thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Rạng Đông đang theo đuổi mô hình kinh doanh mới, hệ sinh thái sản phẩm 4.0 thay vì sản phẩm đơn lẻ. Đó là mô hình kinh doanh kỹ thuật số (Digital Business Model – DBM) mà Học viện Công nghệ Massachuset đề xuất. Trong đó, chúng tôi hướng tới mô hình kinh doanh đa kênh, mở rộng thương mại điện tử, phát triển kênh O2O (Online to Offline và Offline to Online) để gần với người dùng cuối, xác định được chân dung người dùng cuối. Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp với các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước. Các tập đoàn công nghệ có các nền tảng điều khiển còn chúng tôi có thiết bị phần cứng (hardware) để nhúng các phần mềm vào đó và tích hợp với các nền tảng điều khiển thông qua các API.
Với mô hình kinh doanh mới, công tác điều hành và quản trị trong doanh nghiệp cũng thay đổi theo hướng linh hoạt. Chuyển đổi mô hình tổ chức, mô hình phân cấp chức năng tuyến tính sang mô hình ma trận để phá vỡ các phân mảnh hoạt động, phá vỡ sự độc lập giữa các phòng ban. Nhờ đó, mô hình teamwork (hoạt động nhóm) trong doanh nghiệp được hình thành gồm lực lượng chính làm việc trong một module và các lực lượng bổ trợ phối đảm bảo phát huy tính linh hoạt, tinh thần sáng tạo của các thành viên trong đội nhóm.
- Ông có thể chia sẻ kết quả kinh doanh doanh nghiệp nhận được sau tất cả sự thay đổi trên?
Sau 3 năm chuyển đổi số, đúng trong thời điểm vô cùng khó khăn của dịch COVID, đứt gẫy chuỗi cung ứng… Rạng Đông đã đạt mặt bằng tăng trưởng mới là 20%, gấp đôi so với trước chuyển đổi số. Có được kết quả này, doanh nghiệp tìm được không gian tăng trưởng mới, trong đó, phát triển sản phẩm mới trong nông nghiệp, sử dụng bước sóng ánh sáng khác nhau giúp phát triển vật nuôi, cây trồng, trước mắt dự kiến áp dụng trong cây trồng có giá trị như sâm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm