Lâm Đồng quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư
Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Lâm Đồng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đưa Lâm Đồng trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Lâm Đồng thường xuyên rà soát, bám sát mục tiêu các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Thông qua các hội nghị đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã truyền thông điệp rõ ràng, công khai, minh bạch đến cộng đồng doanh nghiệp; giải quyết kịp thời những kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đẩy mạnh CCHC, xem CCHC là nhiệm vụ chính trị, là một trong những khâu đột phá trọng tâm nhằm hướng tới hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền số để đảm bảo phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); Thực hiện niêm yết đầy đủ, công khai các thủ tục đăng ký doanh nghiệp… đã giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận, giải quyết TTHC.
Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã ban hành 1.205 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 486 dịch vụ công toàn trình và 707 dịch vụ công trực tuyến một phần. 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,76%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận được giải quyết trước và đúng hạn đạt 96,80%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp xã tiếp nhận được giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,26%.
9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 997 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 7.418 tỷ đồng. Hiện tỉnh Lâm Đồng có gần 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn điều lệ đăng ký 158.315 tỷ đồng.
Quyết tâm cải thiện chỉ số PCI
Năm 2022, PCI của tỉnh Lâm Đồng xếp ở vị trí 17/63 tỉnh, thành với 67,62 điểm, tăng 0,45 điểm so với năm 2021. Việc tăng điểm số PCI so với năm 2021 phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện; các sở, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Theo ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp một cách quyết liệt hơn nữa, rút ngắn số ngày đăng ký doanh nghiệp xuống còn 3 - 4 ngày. Lâm Đồng tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC và quá trình tiếp nhận, giải quyết để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện; đảm bảo giải quyết TTHC đúng quy định.
Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền; thực hiện tốt chức năng giám sát, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn còn tồn tại, nghiên cứu những cơ chế chính sách mới tạo sự thông thoáng trong môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Có thể bạn quan tâm