Hải Dương: Cú hích để công nghiệp công nghệ cao phát triển
Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương đã khẳng định thông qua việc thu hút vốn FDI vào các KCN từ đầu năm đến nay đạt trên 343 triệu USD.
>>>Hải Dương: “Bàn giải pháp” chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Từ phát triển không gian công nghiệp...
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp của Hải Dương đạt 343 triệu USD, vượt 71% kế hoạch năm.
Trong đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 39 dự án với tổng vốn đầu tư 237 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn cho 21 lượt dự án với số vốn tăng thêm 106 triệu USD.
Đến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút được 345 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,7 tỷ USD. Hiện có khoảng 260 dự án thứ cấp đã triển khai đầu tư và đi vào hoạt động. Số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục liên quan...
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, để trở thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương đã phát triển không gian công nghiệp theo 3 vùng. Cụ thể 3 vùng gồm vùng công nghiệp động lực, vùng công nghiệp hỗ trợ, vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động số 78-CTr/TU ngày 13/9/2023 thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện chương trình này, Hải Dương định hướng phát triển không gian công nghiệp theo 3 vùng, bao gồm: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng, một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.
Phát triển không gian công nghiệp quy mô lớn, tạo thành thế mạnh của tỉnh, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng, ứng dụng khoa học và công nghệ cao và trở thành trục động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, bảo đảm an sinh xã hội; dừng thu hút đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp hoặc ảnh hưởng môi trường.
Phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí chế tạo; điện, điện tử; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Mở rộng, phát triển một số ngành công nghiệp tiềm năng, gồm: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hóa chất, hóa dược; đồng thời tiếp tục duy trì một số ngành công nghiệp khác như: dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp môi trường, sản xuất và phân phối điện, nước, xử lý rác thải, nước thải.
Theo ông Lê Hồng Diên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hải Dương định hướng phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm logistics; khu phi thuế quan; trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại, cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân.
Hải Dương phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030, chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp"
Về phát triển khu công nghiệp, trong thời kỳ 2021-2030, Hải Dương hình thành 32 khu công nghiệp, với tổng quy mô khoảng 5.661 ha (trong đó có 20 khu công nghiệp và 3 khu công nghiệp mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp). Đến năm 2030, toàn tỉnh hình thành 61 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 3.209 ha.
Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
... đến phấn đấu có khoảng 580 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào năm 2030
Theo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ để góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đề án cũng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, doanh nghiệp lắp ráp lớn để dẫn dắt phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, làm nền tảng bước đầu tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ: Hải Dương ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương, như: các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao; các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, rô bốt công nghiệp; các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị điều khiển; cảm biến các loại; các loại động cơ thế hệ mới…
Đối với công nghiệp công nghệ cao: Tỉnh Hải Dương ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo Danh mục công nghệ cao ưu tiên thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao, như: công nghệ rô-bốt, vật liệu tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối...
Đề án nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hải Dương có khoảng 340 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp.
Theo đại diện Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, Hải Dương là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, gần Hà Nội và cảng biển Hải Phòng. Những năm qua, quy mô sản xuất của doanh nghiệp liên tục được mở rộng và hiện đã xây dựng 4 nhà máy, tổng diện tích là 23.000m2 tại Hải Dương. Quá trình đầu tư tại Hải Dương, doanh nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương như có các chính sách ưu đãi có ngành công nghiệp hỗ trợ, thủ tục hành chính đơn giản, rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.
Theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Thời gian qua, Công nghiệp Hải Dương đã phát huy được những thế mạnh và lợi thế của tỉnh, từng bước khẳng định Hải Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước, trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng gấp 34,4 lần, đứng thứ 11 trong cả nước và thứ 5 trong vùng đồng bằng sông Hồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,9%/năm; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp và dịch vụ trong GRDP đạt 81,7%. Quy mô sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong nhiều năm, giá trị tăng thêm tăng bình quân 20,8%/năm.
Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, từng bước hình thành và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm