Nghệ An hoạch định phát triển “vật liệu xanh” trong ngành xây dựng
Một trong những mục tiêu chính của chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đó là loại bỏ công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Theo chiến lược phát triển VLXD giải đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Nghệ An xác định rõ quan điểm phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phù hợp với quy mô và chủng loại khoáng sản; khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiên phân bố vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công nghệ lạc hậu đi kèm với… ô nhiễm
Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã rất nỗ lực quan tâm, cải thiện cơ chế chính sách, đồng thời huy động nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng, vùng duyên hải miền Trung nói chung.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An đã phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực; nhất là nguồn tài nguyên khoáng sản sẵn có; qua đó, đáp ứng hiệu quả nguồn cung vật liệu; góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” cùng các khu, cụm công nghiệp cũng như các nhà máy, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ ở địa phương này... ngày càng trở nên đồng bộ, hiện đại.
>>Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh
Vậy nhưng, nhiều vấn đề bất cập, hệ lụy khó lường cũng đã bắt đầu nảy sinh từ đây. Ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân; gây tiêu tốn rất nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản của Nhà nước; đặc biệt là tác động tiêu cực đến sức khỏe, an toàn tính mạng của người lao động... là thực trạng đã và đang diễn ra tại một số nhà máy, cơ sở sản xuất VLXD ở địa bàn tỉnh Nghệ An.
Còn nhớ, chỉ mới đây thôi, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Châu Tiến – một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến bột đá, có địa chỉ tại Lô A3-A4, Khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Đây là doanh nghiệp có nhiều bất cập, là “điểm nóng” về môi trường trong thời gian vừa qua khi có nhiều công nhân đã và đang làm việc tại nhà máy chế biến bột đá bị bệnh bụi phổi và có 4 trường hợp bị tử vong. Cụ thể, mới đây Công ty TNHH Châu Tiến bị phạt đã bị tỉnh xử phạt hành chính với tổng số tiền 116 triệu đồng.
>>Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng “kêu cứu”
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố đảm bảo sức khỏe cho người lao động, doanh nghiệp này còn có rất nhiều vi phạm liên quan đến việc chấp hành pháp luật về môi trường.
Cụ thể, theo kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, nhà máy chế biến bột đá trên chưa lập hồ sơ báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép. Bên cạnh đó, công tác thu gom, lưu trữ chất thải nguy hại còn sơ sài, chưa đúng quy định; chưa hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải công nghiệp thông thường; kho lưu giữ chất thải công nghiệp thông thường, chất thải sinh hoạt cũng như mạng lưới thoát nước nội bộ sân công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu…
Đặc biệt, các loại hóa chất như Acid Oxalic, NaOH, Chrome Oxide Green, Acid Boric… sử dụng cho hoạt động sản xuất chưa được bố trí kho lưu giữ riêng, còn để chung trong xưởng sản xuất. Hơi axit phát tán trong nhà xưởng làm ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Mặt khác, quá trình ngâm tẩm, tẩy trắng đá silic được thực hiện trong bể, không có biện pháp thu axit cưỡng bức, công nghệ thô sơ, hơi axit tạo ra làm ảnh hưởng sức khỏe người lao động. Dây chuyền nghiền đá silic được thực hiện bằng công nghệ “dã chiến” ngoài trời, không có biện pháp thu bụi.
Trong khi đó, băng chuyền vận chuyển từ lò sấy hơi đốt vào công đoạn nghiền tinh là băng chuyền hở, là nơi phát sinh bụi khi hoạt động. Công ty chưa lắp đặt hệ thống xử lý bụi phát sinh từ lò sấy hơi đốt, hơi axit phát sinh từ quá trình sấy sau khi ngâm tẩy trắng. Tại khu vực nghiền tinh, bụi mịn silic phát tán rất nhiều làm ảnh hưởng tới môi trường làm việc và sức khỏe người lao động.
“Vật liệu xanh” nhận tín hiệu vui
Do vậy, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã thể hiện quyết tâm thay đổi bằng chiến lược, mục tiêu cụ thể theo hướng tập trung phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu “xanh” thân thiện với môi trường, đó là vật liệu xây không nung (VLXKN). Qua đó, sẽ phần nào tiết kiệm được tài nguyên khoáng sản, hạ chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp; đặc biệt góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Theo ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, thời gian tới, quan điểm của địa phương sẽ đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp VLXD trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại của nhà đầu tư nước ngoài; chú trọng đầu tư phát triển một số chủng loại VLXD có chất lượng và giá trị kinh tế cao.
>>Thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng xanh
Cụ thể, trong 2 năm tới đây, địa phương sẽ tập trung phát triển đầu tư sản xuất VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ lớn hơn 40% về sản lượng sản xuất và đến năm 2030 sẽ đạt tỷ lệ lớn hơn 45%; đồng thời đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo quy định. Cụ thể, tổng năng lực các cơ sở sản xuất VLXKN với quy mô công nghiệp trên địa bàn sẽ đạt trên 500 triệu viên/năm.
Trong đó, chủ yếu hướng vào sản xuất các loại VLXKN có kích thước lớn, cấu kiẹn, tấm tường, vật liệu nhẹ, sử dụng nguyên liệu là chất thải công nghiệp như: Tro, xỉ than, xỉ luyện kim,… nhằm giảm thời gian thi công, hạ giá thành xây dựng, giảm thiểu phát thải trong quá trình xây dựng; đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
Về khai thác và sử dụng tài nguyên, Nghệ An sẽ nghiên cứu phát triển các dự án có công nghệ sản xuất sử dụng nguyên liệu là phế thải công nghiệp của các nhà máy nhiệt điện, sản xuất thép đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như tỷ lệ sử dụng tro xỉ nhiệt điện thay thế xi măng, cốt liệu để sản xuất VLXKN: Đối với gạch bê tông cốt liệu thì khuyến khích sử dụng tro bay có thể thay thế từ 20 – 30% lượng xi măng đưa vào sử dụng; đối với bê tông bọt có thể dùng 350 tấn tro bay thay cát cho 1 triệu viên gạch bê tông bọt; bê tông khí có thể dùng hơn 6.500 tấn tro bay thay thế cát để sản xuất 1 triệu viên gạch bê tông khí chưng áp;…
Trong bối cảnh Nghệ An đang tập trung đẩy nhanh phát triển đô thị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tin rằng, với những chủ trương, chính sách theo chiều hướng phát triển sản xuất, kinh doanh vật liệu “xanh” sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện môi trường, giảm lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí nhà kính… của địa phương này.
Có thể bạn quan tâm
Thi công làm hỏng ống dẫn nước ở Nghệ An: Cơ quan chức năng vào cuộc
00:06, 21/10/2023
Nghệ An “tăng nhiệt” ngăn chặn tín dụng đen
00:30, 19/10/2023
Nghệ An: Thi công làm hỏng ống dẫn nước, vẫn “thờ ơ” bỏ mặc người dân?
14:00, 16/10/2023
Nghệ An đồng hành cùng doanh nghiệp
10:08, 16/10/2023
Nghệ An: Thuỷ điện xả lũ sai quy trình, người dân lãnh đủ?
11:00, 15/10/2023