Bá Thước (Thanh Hóa): Xây dựng hạ tầng nhằm phát triển kinh tế bền vững
Là một huyện miền núi nghèo, Bá Thước xác định đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông chính là giải pháp hiệu quả giúp xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương bền vững.
>>Quảng Ninh: Xây dựng hạ tầng đồng bộ để “hút” đầu tư
Bá Thước là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh và 62 huyện nghèo của cả nước, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm 84,3% dân số với 3 dân tộc chính là: Thái, Mường, Kinh cùng chung sống. Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số của huyện đã có những thay đổi căn bản theo hướng tích cực; kinh tế vùng dân tộc thiểu số hàng năm tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh.
Những ngày này có mặt tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước nhiều máy móc, công nhân đang khẩn trương làm việc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đường tránh đường tỉnh 521B đoạn qua chợ phố Đoàn, xã Lũng Niêm. Dự án này có quy mô chiều dài hơn 1,6 km, cùng 3 tuyến nhánh dài 482m với tổng mức đầu tư xây dựng công trình 70 tỷ đồng.
Ông Lò Xuân Hành, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng dự án huyện Bá Thước cho biết: Nhằm thực hiện thành công chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, UBND huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình giao thông trên địa bàn. Nhiều dự án nâng cấp, sửa chữa, mở rộng và từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường trọng điểm được ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, tạo chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế kỹ thuật, là động lực để Bá Thước thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay huyện Bá Thước cũng đã tập trung thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật cho hơn 30 công trình giao thông với tổng mức đầu tư hơn 408,7 tỷ đồng; khởi công xây dựng mới cầu trung tâm thị trấn Cành Nàng và đường tránh thị trấn Cành Nàng đi đường tỉnh 523D với chiều dài hơn 2,83 km, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng…
>>Bến Tre: Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ
Coi việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là “đòn bẩy” để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng cho biết: Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực miền núi, là động lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) và rút ngắn khoảng cách vùng miền. Đồng thời, giúp Bá Thước thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh.
Những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua đã khẳng định sức vươn mạnh mẽ của huyện miền núi Bá Thước trên nhiều lĩnh vực, trong đó những đột phá về phát triển hạ tầng giao thông. Điều đó đã và đang tạo nên một khí thế mới, động lực mới để người dân thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng đổi thay diện mạo bộ mặt nông nghiệp nông thôn, nhất là nông thôn miền núi.
Có thể bạn quan tâm