Hưng Yên: Đẩy nhanh tiến độ dự án Đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội

HẢI NGÂN 08/11/2023 01:52

Tỉnh Hưng Yên yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch các khu hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội.

>>>Hưng Yên: Doanh nhân, doanh nghiệp phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội

>>>Bí thư tỉnh Hưng Yên: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên liên quan đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Bàn giao mặt bằng trên 84%

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tổng chiều dài dự án khoảng gần 113km đi qua địa phận các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Phối cảnh dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội

Phối cảnh dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội

Trong đó, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.2 và 2.2 vào tháng 6/2023.

Đoạn tuyến này có chiều dài khoảng19,3km, đi qua địa phận 4 huyện gồm: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn thiện đường vành đai 4 gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Giai đoạn đầu khai thác phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe và đầu tư xây dựng hệ thống đường bên (song hành) với quy mô 2 làn xe một bên. Tổng mức đầu tư của 2 dự án thành phần là 5.245 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB diện tích đất nông nghiệp; đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây 110kV, 220kV, 500kV. Diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư là 193,6/230,2 ha, đạt trên 84%.

Lễ bàn giao mặt bằng thi công gói thầu số 01 thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (Ảnh: Báo Hưng Yên)

Lễ bàn giao mặt bằng thi công gói thầu số 01 thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (Ảnh: Báo Hưng Yên)

Mới đây, tại huyện Văn Giang đã diễn ra hội nghị giao nhận mặt bằng gói thầu số 01 thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2 xây dựng đường song hành (đường đô thị) thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện có đất thuộc dự án đi qua và các đơn vị có liên quan bàn giao phần diện tích đã được GPMB phục vụ thi công; hệ thống mốc đường chuyền, các cọc chi tiết theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt để phục vụ thi công gói thầu số 01 cho đại diện đơn vị thi công là Công ty cổ phần Lizen và các đơn vị có liên quan.

Theo ông Nguyễn Hùng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm phối hợp với nhà thầu thi công khẩn trương triển khai các bước thi công xây dựng dự án thành phần 2.2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Nam, trong phạm vi dự án đã được GPMB, thông báo cho người dân thu dọn cây cối, hoa màu, vật liệu xây dựng tập kết… để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công công trình trước ngày 5/11/2023. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ việc thực hiện dự án; tạo điều kiện để nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình thi công phải tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thi công.

“Dễ làm trước, khó làm sau”

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là một trong 12 dự án trọng điểm của tỉnh. Đây là dự án quan trọng quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Đồng thời, tạo trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tổ chức lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị.

Sở giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên rà soát tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nộip/(Ảnh: Báo Hưng Yên)

Sở giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên rà soát tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Báo Hưng Yên)

Mới đây, tỉnh Hưng Yên đã đi kiểm tra công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tại huyện Văn Lâm. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đoạn qua huyện Văn Lâm có tổng chiều dài khoảng 6,54km, qua 5 xã, thị trấn. Tổng diện tích đất thu hồi trong chỉ giới GPMB khoảng 68,96ha; tổng số hộ gia đình có đất thu hồi khoảng 1,3 nghìn hộ; số doanh nghiệp có dự án, đất, tài sản trong phạm vi GPMB là 13 doanh nghiệp với diện tích dự kiến phải GPMB khoảng 9,3 ha; số ngôi mộ cần di chuyển khoảng 1,3 nghìn…

Hiện nay, công tác GPMB trên địa bàn huyện Văn Lâm phục vụ dự án còn gặp một số vướng mắc liên quan đến hiện trạng sử dụng đất của các hộ gia đình có nhiều biến động so với bản đồ địa chính, số lượng hộ có đất ở trong diện tích phải thu hồi lớn, trong khi đó, hồ sơ, giấy tờ liên quan tới nguồn gốc đất chưa đầy đủ; việc di chuyển mồ mả gặp nhiều khó khăn… Đến ngày 31/10, địa phương này đã thực hiện thu hồi GPMB được 56,4/68,96 ha, đạt 81,79% diện tích đất trong phạm vi GPMB; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đã chi trả đạt gần 210 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên, đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh cần thực hiện theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Các đơn vị liên quan cần có phương án xử lý linh hoạt trong việc vận động người dân chấp thuận phương án đền bù GPMB, tập trung cao việc bố trí tái định cư cho người dân, doanh nghiệp; bố trí nghĩa trang để di chuyển mồ mả; bảo đảm người dân được hưởng quyền lợi tốt nhất trong quá trình đền bù GPMB.

Cũng theo ông Nghĩa, đối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành sớm có phương án báo cáo các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện sớm; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch các khu hạ tầng kỹ thuật…

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với bề rộng 17m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 85,8 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2026 dự án sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Có thể bạn quan tâm

  • Hưng Yên: Doanh nhân, doanh nghiệp phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội

    Hưng Yên: Doanh nhân, doanh nghiệp phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội

    14:34, 12/10/2023

  • Bí thư tỉnh Hưng Yên: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản

    Bí thư tỉnh Hưng Yên: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản

    15:54, 28/09/2023

  • Hưng Yên trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản

    Hưng Yên trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản

    15:05, 28/09/2023

HẢI NGÂN