Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2023), ngày 12/10, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã gặp mặt 400 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 16.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
>>>Bí thư tỉnh Hưng Yên: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản
Dự hội nghị có ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch HHDN nhỏ và vừa Việt Nam; lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Hưng Yên cùng hàng trăm doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ) khẳng định, Hưng Yên đang chuyển mình, thức giấc, kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân, nhất là trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào trong ngân sách Nhà nước; tuân thủ pháp luật, đảm bảo sự ổn định và phát triển vững chắc của doanh nghiệp.
"Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với phương châm “Thuận lợi, an toàn, văn minh và bình đẳng”, để doanh nhân thực sự trở thành một trong những lực lượng nòng cốt trong phát triển KT-XH của tỉnh. Bên cạnh đó, HHDN tỉnh cần chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân, tăng số lượng hội viên để Hiệp hội thực sự trở thành “mái nhà chung” của các doanh nhân", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Chia sẻ về môi trường đầu tư của tỉnh Hưng Yên đến các doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hưng Yên có tiềm năng rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư với những yếu tố đặc thù như vị trí địa lý thuận lợi, nằm trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng đang phát triển rất nhanh và liền kề với thủ đô Hà Nội; hạ tầng KT-XH, giao thông vận tải TM-DV, logistics, kết nối thuận tiện với sân bay quốc tế Nội Bài, cảng quốc tế Hải Phòng và các trung tâm kinh tế, thương mại, công nghiệp lớn của cả nước; Hưng Yên có lực lượng lao động dồi dào. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hưng Yên có sự đột phá, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt kết quả tích cực, chỉ số PCI năm 2022 đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 39 bậc so với năm 2021.
Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, "cùng với sự cam kết đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì tỉnh Hưng Yên nên song song tạo môi trường thuận lợi nhiều hơn, hiện đại hóa nền hành chính, qua đó giúp Hưng Yên thu hút được đông đảo các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI”.
Phát biểu tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, thông tin về tình hình phát triển KT-XH 9 tháng năm 2023 của tỉnh Hưng Yên đến các doanh nghiệp, ông cho biết tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá tích cực, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 8,61%, xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Dự kiến, cả năm 2023 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra (mục tiêu tăng 9%); tổng thu ngân sách đến ngày 30/9 đạt 24.119 tỷ đồng, vượt dự toán giao đầu năm; chi ngân sách 9 tháng đầu năm ước đạt 11.085 tỷ đồng, đạt 55,94% kế hoạch.
Ông Trần Quốc Văn khẳng định, những thành tích đã đạt được là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong đó vai trò của cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan trọng trong sự phát triển KT-XH của tỉnh. Bên cạnh đó, HHDN tỉnh cũng đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, phản ánh kịp thời và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến lãnh đạo lãnh đạo các cấp và được giải quyết hiệu quả.
Chủ tịch HHDN tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, HHDN tỉnh hiện có trên 1.400 hội viên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 21,6 nghìn tỷ đồng. Hằng năm, các doanh nghiệp đóng góp hơn 80% số thu ngân sách của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương.
Đại diện cho cộng đồng tỉnh Hưng Yên Chủ tịch HHDN tỉnh kiến nghị, đề xuất 7 nội dung sau :
Một là, Tiếp tục cải thiện chỉ số PCI: Năm 2022, tỉnh Hưng Yên đạt 67,91 điểm, xếp thứ 14/63 tỉnh thành, đây là một sự bứt phá ngoạn mục về thứ hạng, nhưng một số chỉ số thành phần quan trọng lại giảm điểm, thậm chí xếp ở vị trí thấp, như: chỉ số “Gia nhập thị trường” (57/63), “Tính minh bạch” (57/63), “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” (45/63), “Tính năng động của chính quyền” (33/63). Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng về thủ tục đăng ký kinh doanh, hoàn tất các thủ tục cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh; gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch của tỉnh,… HHDN kính đề nghị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới tư duy, điều hành linh hoạt, xây dựng và quản trị chính quyền hiện đại hơn, cởi mở hơn, thân hiện hơn để kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp.
Hai là, Đổi mới đánh giá DDCI: Việc đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, huyện (DDCI) có vai trò quan trọng, lan tỏa những giá trị tích cực trong CCHC, giúp các cơ quan QLNN các cấp thay đổi tư duy, cách quản lý để phục vụ doanh nghiệp được tốt hơn. Tại một số tỉnh, thành thường xuyên tổ chức đánh giá DDCI, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên,… HHDN là đơn vị chủ trì tổ chức, phối hợp với một đơn vị tư vấn độc lập (doanh nghiệp, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH) gửi phiếu khảo sát DDCI tới các doanh nghiệp và 100% số điểm lấy từ việc khảo sát đánh giá của DN. Việc này đảm bảo tính khách quan, công bằng, thể hiện đúng bản chất của vấn đề: Doanh nghiệp đánh giá chính quyền.
HHDN cho rằng, việc đánh giá DDCI không thể tác rời khỏi PCI, cần chọn một cơ quan độc lập để đánh giá. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh nên giao DDCI về cho HHDN làm đầu mối đánh giá, bởi như vậy, doanh nghiệp sẽ có những công cụ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và sẽ thuận lợi trong việc thực hiện.
>>>Dòng vốn FDI tiếp tục đổ về Hưng Yên
Ba là, Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn: Hiện nay, tiếp cận tín dụng vẫn là nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong bối cảnh khó khăn bủa vây, đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp cần có thêm nguồn lực phục vụ SXKD.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo VCCI và HHDNVVN kiến nghị với Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại nghiên cứu, xem xét giảm bớt TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục vay, mở rộng đối tượng vay, điều kiện cho vay để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được tiếp cận vốn nhanhh và hiệu quả nhất. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên, Cục thuế tỉnh tham mưu các cơ quan Trung ương nghiên cứu việc giãn nợ thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, kéo dài thời gian giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp.
Bốn là, Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động về KHCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khá nhiều và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về miễn giảm thuế TNDN, tiếp cận vốn, tiếp cận thông tin KHCN thế giới, điều kiện cấp giấy chứng nhận sản phẩm KHCN,…
Các doanh nghiệp KHCN kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên, Sở KHCN và các cơ quan hữu quan quan tâm hướng dẫn, thực hiện thống nhất các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KHCN; đề xuất các khó khăn, vướng mắc về Bộ KHCN để có hướng tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Đồng thời, mong muốn thường xuyên được tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, giao lưu với các doanh nghiệp KHCN nước ngoài để có cơ hội tìm hiểu, hợp tác về KHCN.
Năm là, Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại. HHDN tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên nghiên cứu, xem xét, giao cho HHDN chủ trì một số hoạt động XTTM của tỉnh để đảm bảo về chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức, mang lại giá trị thực cho các doanh nghiệp.
>>>PCI Hưng Yên - Bứt phá từ yếu tố con người
Sáu là, Các kiến nghị của DN cần được giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, doanh nghiệp cho rằng những kiến nghị của mình chưa được giải quyết kịp thời. Thậm chí, có những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng, đầu tư,… đã 2 năm chưa được giải quyết. HHDN đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, cơ quan chuyên môn, địa phương giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã kiến nghị. Khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, phải xác định thời gian, thời hạn giải quyết, không “ngâm” ý kiến của doanh nghiệp. Đồng thời, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết công việc, đôn đốc các bộ phận chuyên môn thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở.
Bảy là, Đề xuất lãnh đạo các cấp, các ngành vận động các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn và các doanh nghiệp FDI tham gia vào HHDN với vai trò dẫn dắt và tăng tính liên kết để xây dựng cộng đồng DN của tỉnh Hưng Yên ngày càng lớn mạnh và gia tăng giá trị.
Có thể bạn quan tâm
Hưng Yên trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản
15:05, 28/09/2023
Hưng Yên thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư
15:04, 27/09/2023
Hưng Yên: Mở không gian động lực mới để thu hút vào các khu công nghiệp
01:51, 24/07/2023
Hưng Yên: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai
11:34, 10/06/2023
Dòng vốn FDI tiếp tục đổ về Hưng Yên
16:22, 09/06/2023
Hưng Yên: Mời gọi nhà đầu tư cho các dự án đô thị hàng nghìn tỷ đồng
03:00, 08/06/2023
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên: Cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền
16:27, 05/06/2023