Đường trong Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi xuống cấp vì ít tiền?

TUẤN VỸ 09/11/2023 04:01

Ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng kinh phí nâng cấp hạ tầng tại Khu kinh tế Dung Quất là quá ít trong khi đó nguồn thu của địa phương chủ yếu là từ đây.

>>Quảng Ngãi: Đường trong khu kinh tế Dung Quất bị "cày nát" vì xe tải trọng lớn

Ngày 8/11, trong khi ghi nhận hoạt động vận tải của các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp nhận thấy nhiều tuyến đường trong khu vực đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Người dân địa phương cho hay việc hư hỏng, xuống cấp bắt nguồn từ lượng xe tải trọng lớn lưu thông thường xuyên trên các tuyến đường, trong đó có nhiều phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng như đất, đá,... Theo ghi nhận của phóng viên, một bộ phận xe tải trọng lớn có dấu hiệu cơi nới, vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu quá tải, quá khổ, gây ô nhiễm môi trường từ rơi vãi do không được che đậy kỹ,...

Người dân địa phương cho hay việc các tuyến đường xuống cấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường,... tại khu vực gây nhức nhối trong thời gian dài. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng đường sá hư hại ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa của các đơn vị.

Thông tin từ ông Nguyễn Phong – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi tuyến đường dẫn vào cảng từ ngã tư đến dự án nhà máy thép Hòa Phát hiện nay đang bị hư hỏng nhiều khu vực và giải pháp hiện nay đang được thảm nhựa trở lại. Theo vị này, trong khoảng thời gian tháng 4-5 năm 2023 số lượng vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Một phương tiện vận chuyển đá dăm bị lực lượng Thanh tra giao thông Quảng Ngãi kiểm tra tại Khu kinh tế Dung Quất.

Một phương tiện vận chuyển đá dăm bị lực lượng Thanh tra giao thông Quảng Ngãi kiểm tra tại Khu kinh tế Dung Quất.

Ông Phong cho hay, đơn vị cũng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra ngày đêm về vấn đề này. Trong đó, việc doanh nghiệp thi công dự án nhà máy thép thuê xe ngoài là khá nhiều và lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên mang cân tải trọng đến khu vực, tuy nhiên trong quá trình cân thì không có xe, đến khi hết giờ cân thì các phương tiện mới hoạt động trở lại.

“Các đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra ròng rã suốt một tháng, buộc cắt thùng xe, các xe không đúng quy chuẩn sẽ cắt hết. Các lực lượng đã cắt khoản 60-70 xe , các xe không cắt thùng thì sẽ không được vận chuyển. Một vấn đề khác nữa là các xe vận chuyển đất, tại Dung Quất giống như một công trường vậy, vừa làm vừa mở rộng, tái định cư,... thì vận chuyển vật liệu rất lớn, tụi anh cũng đã làm việc với các chủ mỏ, họ chỉ có chạy ban đêm là không biết thôi”, ông Phong nói.

Cũng thông tin từ ông Phong, khi việc vận tải hàng hóa cơ bản ổn định thì các tuyến đường trong khi vực xảy ra hư hỏng. Cùng với đó, khai thác hạ tầng tại Khu kinh tế Dung Quất từ năm 2009 đến nay đã khai thác triệt để nhưng không có đầu tư nâng cấp. Kinh phí nâng cấp hạ tầng tại đây ông Phong cho rằng là quá ít trong khi đó nguồn thu chủ yếu là từ Khu kinh tế Dung Quất. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí 350 tỷ đồng và Ban quản lý Khu kinh tế đang làm công tác nâng cấp.

Các tuyến đường giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất đang xuống cấp nặng vì phải gánh lượng xe tải trọng lớn mỗi ngày.

Các tuyến đường giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất đang xuống cấp nặng vì phải “gánh” lượng xe tải trọng lớn mỗi ngày nhưng kinh phí dùng cho việc nâng cấp là quá ít.

Nói thêm về vấn đề quá khổ, quá tải về các phương tiện vận chuyển đất, cát, ông Nguyễn Phong cho hay vấn đề khó xử lý nhất là các doanh nghiệp dù vẫn cam kết thực hiện đúng quy định nhưng vẫn vi phạm. Nguyên nhân là do chủ mỏ chỉ khai thác nên vẫn cam kết, trong khi đó doanh nghiệp vận chuyển lại là đơn vị khác và vì chi phí, giá thành đang cạnh tranh nên các phương tiện thường vi phạm.

“Trong 10 tháng, tổng số tiền xử phạt vi phạm an toàn giao thông của Công an là khoảng 48 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái là tăng hơn 25 tỷ đồng, tập trung xử phạt để chấn chỉnh. Hiện giờ, không phải chỉ làm một đợt ra quân là xong mà vẫn làm liên tục, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông sẽ làm liên tục”, ông Phong cho biết.

Khẳng định với phóng viên, ông Phong cho rằng nội bộ Sở Giao thông vận tải không có việc tiêu cực, “bảo kê” doanh nghiệp vận chuyển quá khổ quá tải. Lý giải về vấn đề này, vị này cho rằng nếu “bảo kê” thì đường sá sẽ mau hư hỏng. Đồng thời, vị này cũng nhấn mạnh 11 tuyến đường tỉnh và 3 tuyến Quốc lộ được ủy thác quản lý không có vấn đề xe tải trọng nặng, chủ yếu xe tải trọng nặng xuất phát từ chở đất đá từ mỏ vật liệu, mỏ khai thác mặt bằng của dự án nhà máy thép Hòa Phát. Bởi lẽ, mặt bằng này nguyên toàn bộ là đá, doanh nghiệp khai thác ra lấy mặt bằng thì lượng đá không biết để đâu nên phải vận chuyển đi nơi khác.

“Còn việc “bảo kê” hay không thì ở Sở thì chưa phát hiện. Ngoài ra, Sở cũng  hay làm việc với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, còn doanh nghiệp vận tải đất đá rất khó làm việc. Bởi lẽ, họ gọi xe tập trung lại để vận chuyển do xe đăng ký cá nhân chứ không đăng ký xe doanh nghiệp. Về việc quá khổ quá tải với xe vận chuyển hàng hóa rất ít, nhưng xe chở đất đá để làm công trình là rất lớn, thừa nhận có. Và vừa rồi đơn vị đã kiểm tra nhưng vào ban ngày thì họ né, chỉ chạy ban đêm. Nhưng làm ban đêm thì Thanh tra không được phép, nên Sở chỉ có thể phối hợp với các đơn vị khác để làm”, ông Phong nói thêm.

Nói về vấn đề này, ông Lê Tấn Hải – Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Ngãi cho hay trong 10 tháng đầu năm 2023 đơn vị đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt 316 trường hợp với số tiền 1.745.100.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 33% số trường hợp lập biên bản, tăng 29% số tiền xử phạt.

Xe chở đất tải trọng lớn lưu thông trên Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dù Giám đốc Sở GTVT khẳng định không có.

Xe chở đất tải trọng lớn lưu thông trên Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dù Giám đốc Sở GTVT khẳng định không có.

Theo ông Hải, quy định mới xử phạt xe quá khổ quá tải là rất nặng, trong đó có những phương tiện quá tải trọng đến 150% và quyết định xử phạt do Chủ tịch UBND tỉnh ký. Với số tiền phạt quá cao thì ông Hải cho rằng doanh nghiệp chỉ có thể bán xe. Thông tin từ vị này, hiện nay Sở Tư pháp Quảng Ngãi đang rà soát vấn đề xử phạt các phương tiện quá khổ, quá tải rất kỹ nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp khiếu kiện bằng cách nhờ luật sư tìm lỗi sai kể cả là câu từ trong các văn bản, Quyết định.

“Thanh tra cũng sợ sai, vì khi doanh nghiệp nhờ luật sư trong kiện tụng thì người bị kiện là Chủ tịch tỉnh chứ không phải Thanh tra. Tuy nhiên, đến hiện nay dù có nhiều đơn vị bị xử phạt nặng lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng chưa có trường hợp nào khiếu kiện”, ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Lê Tấn Hải, từ năm 2022 đến nay lực lượng Thanh tra giao thông chủ yếu kiểm soát tải trọng tại khu vực Khu kinh tế Dung Quất. Qua đó, phát hiện có doanh nghiệp đang thi công dự án tại đây có tranh thu đưa xe ngoài vào để vận tải hàng hóa cạnh tranh với các doanh nghiệp địa phương với giá thành thấp và có tình trạng quá khổ quá tải. Nhận thấy tình hình trên, Thanh tra giao thông đã đưa lực lượng đến khu vực đến giám sát nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì doanh nghiệp thuê người theo dõi lực lượng chức năng để “phím” cho nhau tìm hướng tránh né.

Khẳng định với phóng viên, ông Hải cho rằng lực lượng Thanh tra giao thông sẽ không khoan nhượng với các phương tiện quá khổ, quá tải. Trong đó, đơn vị đã phối hợp liên ngành để tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý mạnh tay nên lượng phương tiện quá khổ quá tải đã giảm dần.

“Tuy nhiên có một khó khăn nữa là phương tiện của đơn vị đã khá cũ nên khó đuổi theo được xe của doanh nghiệp. Trong khi đó, cân thì mua của đơn vị độc quyền ở Hà Nội, khi hư hỏng phải gửi ra đó để sửa những sửa xong vài tháng lại hư nên đôi lúc phát hiện phương tiện vi phạm cũng đành cho qua. Cùng với đó, các quy định của Nhà nước cũng có phần làm khó doanh nghiệp khi xe mua trước thì thùng khá to nhưng quy định hiện nay thì chở bằng thùng cũng đã quá tải, bên đăng kiểm cũng không làm rõ quy định về cắt thùng để doanh nghiệp hiểu còn doanh nghiệp thì cứ vô tư chở bằng thùng”, ông Hải nói thêm.

Về các đề xuất phương án xử lý các phương tiện vi phạm trong thời gian tới, ông Hải cho rằng cần giảm mức xử phạt tại Nghị định 100/2019 để định hướng xử phạt răn đe chứ không phải triệt đường sống của doanh nghiệp. Đối với chức năng nhiệm vụ, lực lượng Thanh tra giao thông sẽ tăng cường kiểm soát tải trọng trên địa bàn, phối hợp với các đơn vị liên ngành tăng cường tuần tra, xử lý để hạn chế tình trạng quá khổ quá tải, giảm thiểu tai nạn giao thông,...

Có thể bạn quan tâm

  • “Binh đoàn” xe tải trọng lớn “trẩy hội” từ Quảng Bình về Nghệ An

    “Binh đoàn” xe tải trọng lớn “trẩy hội” từ Quảng Bình về Nghệ An

    00:06, 28/10/2023

  • Thừa Thiên Huế: Xe tải trọng lớn vô tư “vượt mặt” trạm cân?

    Thừa Thiên Huế: Xe tải trọng lớn vô tư “vượt mặt” trạm cân?

    11:00, 27/10/2023

  • Tỉnh Quảng Bình nói gì về phương tiện quá tải trọng qua cửa khẩu Cha Lo?

    Tỉnh Quảng Bình nói gì về phương tiện quá tải trọng qua cửa khẩu Cha Lo?

    00:06, 17/10/2023

  • Xe tải trọng lớn “cày nát” Quốc lộ 12

    Xe tải trọng lớn “cày nát” Quốc lộ 12

    00:30, 30/09/2023

  • Con đường lắm “tai tiếng” ở Nghệ An: “Ngấm đòn” bởi xe tải trọng lớn?

    Con đường lắm “tai tiếng” ở Nghệ An: “Ngấm đòn” bởi xe tải trọng lớn?

    02:50, 25/09/2023

TUẤN VỸ