Sau khi được thông quan tại Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, hàng trăm chiếc xe “2 khúc” chở đầy khoáng sản có dấu hiệu quá tải, ồ ạt chạy về các cảng biển khu vực miền Trung, trong đó có Cảng Cửa Lò…
Ông Nguyễn Công Nhân – Phó giám đốc khai thác Công ty TNHH Cảng Cửa Lò cho biết: “Theo đội vận tải báo về, lượng hàng hóa trên mỗi chiếc xe loại này đều nặng từ 46 – 48 tấn…”. Vậy, nếu tính thêm cả trọng lượng của “xác xe” thì vị chi mỗi xe sẽ có tổng tải trọng trên dưới 60 tấn, lớn hơn rất nhiều so với quy định về tải trọng của đường bộ Việt Nam.
Điều này khiến cho dư luận dấy lên nhiều nghi ngờ về sự kiểm tra, kiểm soát vấn đề tải trọng của các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan trong quá trình thông quan, lưu thông trên các cung đường bộ Việt Nam cũng như ra vào cảng?!
Dàn xe “khủng” hội tụ về cảng…
Quá trình “mục sở thị” tại các cảng Cửa Lò vào sáng ngày 26/10, PV Diễn đàn Doanh nghiệp ghi nhận có hàng chục chiếc xe mang biển kiểm soát nước ngoài, loại từ 26-28 bánh xe gắn trên thân trục nối tiếp 2 toa kéo chở đầy hàng hoá nghi là Kali, đang nằm chờ la liệt trong khu vực nội bộ cảng để trả hàng. Trong đó, chủ yếu tại kho bãi của Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh và bến số 5 thuộc Công ty TNHH Cảng Cửa Lò.
>>“Lệnh bài” nào cho phép xe biển Lào “đại náo” đường Việt Nam?
Qua tìm hiểu được biết, “binh đoàn” xe tải trọng khủng này thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình có lộ trình di chuyển hướng về các tuyến đường bộ dọc các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và dừng chân tại cảng biển Cửa Lò để đổ hàng. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, những chiếc xe nói trên đều có dấu hiệu quá tải trọng, vượt mức quy định cho phép về tải trọng khi lưu thông trên các cung đường bộ Việt Nam.
Để làm rõ vấn đề trên, PV đã trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Công Nhân – Phó giám đốc khai thác Công ty TNHH Cảng Cửa Lò (cảng VietSun) và được ông này xác nhận rằng tại bến bãi của đơn vị đang có rất nhiều loại xe “2 khúc”. “Loại xe 2 khúc chở hàng hóa là Kali, mỗi xe có khoảng trên dưới 46 bịch, 1 bịch nặng khoảng 1 tấn. Theo đội vận tải báo về, khối lượng hàng hóa trên mỗi chiếc xe loại này đều nặng từ 46 – 48 tấn…”, ông Nhân cho biết.
Ông Yên Văn Phúc – Phó giám đốc Xí nghiệp bốc xếp cảng Cửa Lò thuộc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cũng xác nhận: “Mỗi chiếc xe trên chở từ 40 – 50 bao, mỗi bao nặng khoảng 1 tấn. Do vậy, lượng hàng Kali trên mỗi xe nặng khoảng từ 40 – 50 tấn”.
“Dòng xe “2 khúc” chở đầy Kali có dấu hiệu quá tải nói trên thuộc 2 chủ hàng, đó là Công ty Vận tải Quốc tế Mê Kông và Công ty Đông Dương. Hàng Kali này chủ yếu là của Công ty Vận tải Quốc tế Mê Kông với công suất 3 tàu, khoảng 8.000 tấn và hiện tại mới chỉ làm được 2.400 tấn”, ông Phúc thông tin thêm.
>>Xe biển Lào “nhiều không” vô tư lưu thông trên đường Việt
Thông qua cuộc trao đổi với 2 vị Phó giám đốc trên, có thể thấy ước tính rõ rằng, mỗi xe “2 khúc” mang biển kiểm soát nước ngoài trên sẽ có tổng tải trọng lên đến trên dưới 60 tấn, vượt quá mức cho phép về tải trọng khi lưu thông trên các cung đường bộ Việt Nam?!
Kiểm soát tải trọng, có “nhắm mắt làm ngơ”?
Liên quan đến vấn đề kiểm tra, giám sát phương tiện hàng hóa loại “2 khúc” gắn biển nước ngoài khi ra vào cảng, ông Yên Văn Phúc – Phó giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “Dòng xe này từ xưa nay vẫn có Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa 2 nước Việt Nam và Lào.
“Là hàng tạm nhập – tái xuất hoặc hàng quá cảnh, đã được niêm phong kẹp chì, thông qua cơ quan chức năng giám sát nên khi xe vào cảng, chúng tôi không cần phải cân bởi hàng này có bao kiện, ký mã hiệu, xác định khối lượng ở bên kia rồi nên chỉ ghi nhận theo đó”, ông Phúc nói.
Vào ngày 03/02/2023, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 460/TCHQ-GSQL về việc tăng cường kiểm soát phương tiện vận tải quá tải, quá khổ giới hạn vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan nêu rõ: “Trường hợp các cơ quan chức năng trong nội địa kiểm tra phát hiện phương tiện vận tải vi phạm quy định về quá khổ, quá tải, phương tiện chở thùng tự chế “giả công - te - nơ” được cơ quan hải quan niêm phong kẹp chì, cho thông quan lưu thông trong nội địa thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét xử lý trách nhiệm, điều chuyển khỏi vị trí công tác đối với lãnh đạo Chi cục và các công chức liên quan đến việc thực hiện thủ tục hải quan cho các phương tiện vận tải này”.
Còn ông Nguyễn Công Nhân – Phó giám đốc cảng VietSun thì cho biết: Do bên phía nước bạn cho phép, hàng từ bên đó phải qua bao nhiêu chốt trạm mới về cảng. Do vậy, chúng tôi chỉ ghi nhận qua tờ khai chứ không cân.
“Trừ mặt hàng này, còn tất cả các mặt hàng khác, nếu nghi ngờ quá tải trọng cho phép, chúng tôi sẽ bắt cân. Nếu quá tải hơn 10% so với quy định thì sẽ không cho vào cảng”, ông Nhân khẳng định.
Cũng qua tìm hiểu PV được biết, mới cách đây chỉ hơn 10 ngày, Sở GTVT tỉnh Quảng Bình đã có công văn số 3415/SGTVT-KCHT gửi Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình về việc kiểm soát tải trọng phương tiện nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo. Cụ thể, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình tổ chức kiểm tra và hạ tải đối với các phương tiện có tổng trọng lượng vượt quá giới hạn quy định tại Thông tư 46/2015/TT-BGTVT trước khi thực hiện thông quan.
>>“Cửa” nào để xe quá tải trọng vẫn được phép thông quan?
“Đồng thời có ý kiến để chủ các phương tiện có nhu cầu thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tuân thủ các quy định về tải trọng và lưu hành xe trên mạng lưới đường bộ Việt Nam”, Công văn số 3415 nêu rõ.
Tuy nhiên, thực tế trong mấy ngày vừa qua, PV Diễn đàn Doanh nghiệp vẫn ghi nhận hàng trăm lượt xe “2 khúc” có dấu hiệu quá tải trọng vẫn mặc nhiên được thông quan và lưu thông khá dễ dàng trên cung đường bộ Việt Nam để về các cảng khu vực Bắc miền Trung?.
Và nếu chiếu theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải về giới hạn tổng trọng lượng xe: Đối với tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc, giới hạn trọng lượng xe (gồm: Trọng lượng xe thân liền + Trọng lượng rơ moóc + trọng lượng hàng hóa chuyên chở) không lớn hơn 45 tấn.
Tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT cũng nêu rõ: “Chỉ cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ trong những trường hợp đặc biệt, khi không còn phương án vận chuyển nào khác hoặc không thể sử dụng chủng loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác phù hợp để vận chuyển trên đường bộ”.
Quy định rõ ràng là vậy, hệ thống hành lang pháp lý của pháp luật Việt Nam cũng đã được cụ thể hoá đến nhiều cơ quan, ban ngành để thực thi. Tuy nhiên, điều dư luận bức xúc lâu nay là vì sao những phương tiện vận có dấu hiệu quá tải trọng lại vô tư "qua mặt" được cả cơ quan chức năng trong đó có Hải quan Quảng Bình nói chung và Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo nói riêng một cách khó hiểu?!
Có thể bạn quan tâm
Bảo hiểm BSH Nghệ An mời khách hàng làm việc sau khi bị tố “phủi” trách nhiệm
00:06, 27/10/2023
Vì sao Nghệ An liên tục kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản?
03:20, 25/10/2023
Nghệ An: Gỡ khó về nhà ở cho người thu nhập thấp
15:23, 24/10/2023
Nợ thuế, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An rơi vào tình trạng “báo động”
00:06, 22/10/2023
Khách hàng “tố” Công ty Bảo hiểm BSH Nghệ An có dấu hiệu “phủi” trách nhiệm?
13:00, 21/10/2023