Hải Phòng, Quảng Ninh phát huy vai trò thành viên trên hành lang kinh tế Việt – Trung
TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh mong muốn tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác với các địa phương nằm trên hành lang kinh tế Việt - Trung gồm TP Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).
>>>Hải Phòng: Gia tăng sản phẩm từ tour du lịch kết hợp với giáo dục
>>>Hải Phòng: Mở rộng hợp tác đầu tư với doanh nghiệp thành phố Kobe Nhật Bản
Đây là nội dung được chia sẻ tại hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X mới đây.
Phát huy vai trò thành viên
Hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là cơ chế hợp tác được sáng lập từ năm 2004.
Sau gần 20 năm phát triển với 9 lần hội nghị, hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố đã khẳng định tính hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh, thành viên trên các lĩnh vực giao lưu hữu nghị, kết nối giao thông, thương mại, du lịch, văn hóa nghệ thuật… ngày càng đi vào chiều sâu và không ngừng được nâng cao, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.
Theo ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, TP Hải Phòng đang phát triển, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong đó, hệ thống cảng biển là thế mạnh của Hải Phòng, giúp ngành vận tải, logistics ngày càng phát triển, đưa hàng hóa trong nước đi thẳng đến các thị trường quốc tế, khẳng định khả năng vận tải lớn nhất khu vực miền Bắc. Ngoài ra, các tuyến đường cao tốc giúp rút ngắn khoảng cách với Thủ đô Hà Nội và các địa phương Lào Cai – Hạ Long, hình thành trục thông suốt, giảm chi phí vận tải trong khu vực. TP Hải Phòng cũng là địa phương thu hút lớn đầu tư nước ngoài. Nhờ những thế mạnh đó, TP Hải Phòng xác định tập trung phát huy vai trò là thành viên của hành lang kinh tế các địa phương Việt Nam - Trung Quốc.
Cũng nằm trong hành lang kinh tế Việt – Trung, tỉnh Quảng Ninh là địa phương duy nhất của Việt Nam có đường biên giới đất liền, trên biển, trên không với Trung Quốc. Đối với tỉnh Vân Nam, tuy Quảng Ninh không có chung đường biên giới, song giữa 2 tỉnh có nhiều ưu thế tương đồng trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch.
Theo ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, với việc đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động cảng Vạn Ninh trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh sẽ là mắt xích quan trọng kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế với các địa phương khác của Việt Nam cùng với các địa phương khác của Trung Quốc thông qua tuyến hàng hải quốc tế.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Vân Nam sẽ cùng phối hợp để sớm mở đường bay kết nối; tích cực hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp hai bên đầu tư trong lĩnh vực logistics, kết nối các cửa khẩu quốc tế quan trọng, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, quảng bá, xúc tiến kết nối du lịch; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, y tế.
Tăng cường hợp tác
Thực tế, thời gian qua, các cơ chế hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, tăng cường kết nối hạ tầng, mạng lưới giao thông, logistics; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đứng trước những cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong hành lang kinh tế 5 tỉnh thành phố Việt - Trung, hợp tác sẽ khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên. Do vậy, các địa phương cần chủ động và sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao; nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.
Để tăng cường, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, theo ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, TP Hải Phòng xác định giải pháp trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế…
Theo đó, TP Hải Phòng sẽ tăng cường mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt – Trung. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phối hợp với các địa phương có liên quan cùng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng góp phần thúc đẩy hợp tác trong hai hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cũng theo ông Cường, TP Hải Phòng sẽ tăng cường kết nối, xúc tiến đầu tư, hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch giữa các bên nhằm tìm ra hướng đi đột phá trong cơ chế, chính sách hợp tác trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư các bên sang đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, xúc tiến du lịch giữa TP Hải Phòng và tỉnh Vân Nam, địa phương sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và sản phẩm du lịch, thúc đẩy mở lại đường bay từ Hải Phòng đi Côn Minh; khai thác các tuyến du lịch kết nối giữa hai quốc gia, phối hợp xây dựng các tour du lịch giữa Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Lào Cai - Vân Nam; tiếp tục hợp tác đào tạo, giao lưu, trao đổi giáo viên, học sinh, sinh viên giữa các tỉnh hành lang phía Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc...
Bên cạnh đó, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối, hợp tác trên những lĩnh vực kinh tế, thương mại, chú trọng kết nối, xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng khu thương mại tự do, các trung tâm thương mại hiện đại, trung tâm tài chính ngân hàng, đồng thời chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do.
Còn theo ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hợp tác, đề nghị các địa phương tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn cấp lãnh đạo tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tăng cường tham gia các hoạt động văn hoá, du lịch và lễ hội truyền thống giữa hai bên.
Cũng theo ông Khắng, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Chính phủ xem xét đầu tư tuyến đường sắt trục phía Đông – Bắc, kết nối thẳng Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc); tạo mạng lưới giao thông tổng hợp, đa dạng hóa phương thức vận chuyển (đường bộ, đường hàng không, đường biển) thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc...
Có thể bạn quan tâm