Yên Bái ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị nông sản
Hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống, sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho thu nhập cao.
Trong giai đoạn 2020-2022, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện 86 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (bao gồm các nhiệm vụ chuyển tiếp) với tổng kinh phí trên 49 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực khoa học nông nghiệp 66 nhiệm vụ với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp quản lý, theo dõi 07 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước triển khai trên địa bàn với 06 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Trung ương quản lý và 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết địa phương.
Từ năm 2021, Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai đề tài “Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo CORDYCEPS MILITARIS trên giá thể nhộng tằm tại tỉnh Yên Bái” với ưu điểm là năng suất cao, chất lượng tốt, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện của địa phương có nghề nuôi tằm khá phát triển. Hệ thống phòng nuôi cấy mô của Trung tâm đã được trang bị máy móc thiết bị chuyên dụng, phòng cấy giống, phòng nuôi trồng đáp ứng đủ các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm không khí, thực hiện nghiêm quy trình khử khuẩn, đảm bảo vô trùng.
Trong 03 năm triển khai, Đề tài đã cho ra sản phẩm nấm được đánh giá khá khả quan. Hiện nay, công tác quảng bá, giới thiệu được tích cực triển khai để xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Bên cạnh sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, trên địa bàn tỉnh hiện đã có rất nhiều hộ, nhóm hộ sản xuất thành công các loại nấm ăn, nấm dược liệu, trong đó có mô hình nuôi trồng nấm Linh Chi được triển khai tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên từ tháng 6/2022; tập trung hỗ trợ các hộ tham gia mô hình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng lò sấy bịch nấm.
Đối với ngành chăn nuôi, hằng năm thực hiện phối giống từ 4.000 - 4.500 liều tinh bò lai Sind, trâu Mura,... đưa tỷ lệ trâu, bò lai lên 50%; tổ chức gần 1.500 lớp tập huấn cho 57 nghìn lượt người về các tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Liên kết với doanh nghiệp cung ứng khoảng 7.400 tấn phân bón trả chậm cho nông dân. Toàn tỉnh hiện có 1.196 trang trại và cơ sở phát triển chăn nuôi đặc sản.
Nhiều địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần thay đổi tư duy canh tác thủ công, bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nông sản và thu nhập của người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 21.250 máy làm đất, 136 máy gặt đập liên hợp, 350 máy thu hoạch.
Hoạt động khoa học và công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất thời gian qua cũng đã góp phần tạo chuyển biến về trình độ sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho thu nhập cao. Toàn tỉnh hiện có 44 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 10 chỉ dẫn địa lý, 21 nhãn hiệu chứng nhận và 13 nhãn hiệu tập thể. Tỉnh đang tiếp tục thực hiện các bước để đủ điều kiện cấp 07 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và tuyển chọn đơn vị chủ trì triển khai nhiệm vụ cho 06 sản phẩm của năm 2023.
Đầu tư một cách khoa học và có hệ thống trong trồng trọt, chăn nuôi sẽ là cơ sở để nông nghiệp ở tỉnh miền núi Yên Bái giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm