Tỉnh Thái Bình thực hiện tốt hỗ trợ, xúc tiến thu hút đầu tư
Với nhiều tiềm năng, cơ hội, thách thức mới, việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xúc tiến, thu hút đầu tư để lấp đầy các KCN đặc biệt là các KCN trong Khu kinh tế Thái Bình là nhiệm vụ rất quan trọng.
>>>Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thái Bình – Hàn Quốc
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Lân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển (HT, XTĐT&PT) tỉnh Thái Bình về việc hỗ trợ công tác xúc tiến thu hút các nhà đầu tư về trên địa bàn tỉnh.
- Hoạt động XTĐT của tỉnh Thái Bình trong năm 2023 đã đạt được kết quả gì thưa ông?
Có thể khẳng định năm 2023, hoạt động XTĐT của tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, minh chứng là hàng chục dự án lớn đã “đổ bộ” vào các KCN, CCN trên địa bàn với tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD. Kết quả đó thể hiện sự nỗ lực, chủ động của tỉnh trong xây dựng và triển khai các chương trình XTĐT, đặc biệt là tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu, XTĐT tại nước ngoài như: tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Anh,… Qua hoạt động XTĐT tại các nước, Thái Bình đã ký kết được một số thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có các lĩnh vực địa phương đang chú trọng thu hút đầu tư như phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và hỗ trợ...
Song song với hoạt động XTĐT nước ngoài, tỉnh còn thực hiện có hiệu quả công tác XTĐT tại chỗ. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển đầu tư, TM-DV - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”; phối hợp với Phòng TM-CN Đức tại Việt Nam - AHK tổ chức hội thảo hợp tác đầu tư và phát triển Thái Bình - Cộng hòa Liên bang Đức.
Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng khi 11 tháng năm 2023, thu hút vốn đầu tư đạt hơn 46.490 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kì năm 2022, với 126 dự án đầu tư SXKD. năm 2023 tổng vốn đăng ký của các dự án FDI đầu tư vào tỉnh đạt trên 3 tỷ USD. Năm thứ 2 liên tiếp vượt mốc 1.000 đăng ký thành lập mới.
-Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnhđã phát huy hiệu quả thế nào thưa ông?
Không chỉ tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, trong nước và nước ngoài, tỉnh Thái Bình còn tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Điểm mới trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023 chính là việc tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Tổ hoạt động với phương châm: “Giải quyết dứt điểm công việc còn tồn tại, vướng mắc”. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đi kiểm tra, động viên các doanh nghiệp tại các khu, CCN; đồng thời tham gia đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả.
Thái Bình cũng tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu các thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh, các lĩnh vực, dự án kêu gọi, khuyến khích đầu tư của tỉnh; duy trì hoạt động hiệu quả trang thông tin "Thái Bình đồng hành cùng Doanh nghiệp" trên ứng dụng Zalo.
Với vai trò là cơ quan thường trực của tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Trung tâm (HT,XTĐT&PT), Văn phòng UBND tỉnh đã thực hiện tốt các hoạt động tư vấn hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và phối hợp với các địa phương tổ chức đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Qua đó tạo sự hài lòng của doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số PCI tỉnh Thái Bình trong các năm tiếp theo.
- Thưa ông, thời gian qua, Trung tâm (HT,XTĐT&PT) tỉnh Thái Bình đã có hoạt động hỗ trợ gì để giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu tư?
Trung tâm (HT, XTĐT&PT) đi vào hoạt động trong giai đoạn này chính là sự kỳ vọng của tỉnh trong việc “chuyên nghiệp hóa” hoạt động thu hút đầu tư, bởi Trung tâm thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng như nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, cơ hội và kết nối đầu tư; tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư từ khi hình thành ý tưởng đầu tư, khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư đến khi lập hồ sơ đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; tổng hợp các kiến nghị của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc
Trung tâm đã tham mưu với UBND tỉnh rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, trên cơ sở đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; quan tâm hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có mặt bằng nhanh chóng, thuận tiện sớm đi vào hoạt động.
Ngoài ra, để thuận lợi cho các hoạt động XTĐT tại nước ngoài, Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác xúc tiến và HTĐT từ Hàn Quốc (Korea desk Thai Binh) và Văn phòng XTĐT Hàn Quốc vào tỉnh Thái Bình tại Seoul.
Trung tâm cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” diễn ra trong 2 ngày 1-2/12/2023 thành công. Sự kiện, gắn kết, hợp tác phát triển kinh tế, TM, du lịch và giao lưu văn hóa có quy mô lớn nhất từ trước đến nay giữa tỉnh Thái Bình và đối tác Hàn Quốc.
Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra; đồng thời tận dụng hiệu quả những cơ hội phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới tỉnh Thái Bình sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp tạo đột phá trong công tác thu hút đầu tư để xây dựng hình ảnh Thái Bình là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Thái Bình tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm:
Một là, đổi mới hoạt động XTĐT theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Xác định công tác XTĐT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh, hàng năm, Thái Bình luôn chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình XTĐT, đặc biệt là tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu, XTĐT tại nước ngoài.
Hai là, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Có thể thấy môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng chính là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thời gian qua, cùng với công tác XTĐT, Thái Bình đã tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH; đồng thời, tích cực thực hiện các nhiệm vụ của UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 146/KH-UBND. Thời gian tới, Thái Bình xác định sẽ phải làm tốt hơn nữa hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin, tạo cầu nối để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào tỉnh. Đồng thời chuẩn bị tốt các hệ điều kiện cần thiết, đặc biệt là về hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư an ninh, an toàn, hấp dẫn, sẵn sàng nắm bắt những cơ hội, làn sóng đầu tư mới...
Ba là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; chú trọng thực hiện công tác CCHC, tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.
Với những kết quả đạt được đã khẳng định được hiệu quả bước đầu trong hoạt động HT, XTĐT của Thái Bình; tạo bước tiến vững chắc cho tỉnh trong việc xây dựng môi trường đầu tư tối ưu, hiện đại, tạo ra lợi thế đầu tư mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ đó đưa Thái Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
15:38, 02/12/2023
Thái Bình: Khai mạc chương trình “Thái Bình Homecoming Day”
23:16, 01/12/2023
Thái Bình: Đổi mới, sáng tạo trong thu hút đầu tư
09:54, 01/12/2023
Thái Bình: Thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường
08:49, 01/12/2023
Thái Bình: Cải thiện môi trường đầu tư thực chất, hiệu quả
08:24, 01/12/2023
Thái Bình: Hành trình kiến tạo phát triển chuyển đổi số
15:45, 30/11/2023
Thái Bình: Gia tăng sức hút với các nhà đầu tư Hàn Quốc
01:08, 23/11/2023