Thái Bình đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đổi mới nhằm hút đầu tư, trong đó, tập trung phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện với môi trường.
>>> Thái Bình: Gia tăng sức hút với các nhà đầu tư Hàn Quốc
Diễn đàn Doanh nghiệp phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chỉ số “Tiếp cận đất đai” của tỉnh Thái Bình trong năm qua?
Tiếp cận đất đai là một trong các chỉ số thành phần đánh giá khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã đề ra nhiều giải pháp tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi dễ dàng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Theo kết quả đánh giá PCI năm 2022, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Thái Bình đạt 6,94 điểm, xếp thứ 34/63 tỉnh/thành; tăng 26 bậc so với năm 2021.
Có được kết quả nêu trên là do ngành tài nguyên và môi trường nói chung, Sở Tài nguyên và Môi trường nói riêng luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành và địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp hoạt động, các doanh nghiệp đang nghiên cứu đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục đánh giá khách quan về ngành tài nguyên môi trường, ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thu hút đầu tư, cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Thái Bình.
- Vậy những giải pháp nhằm cải thiện thứ hạng trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Thái Bình đang hướng đến mục tiêu trở thành địa phương phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, chỉ số PCI xếp Top 20 toàn quốc. Với mục tiêu tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề ra nhiều giải pháp, hành động cụ thể nhằm cùng với các cấp, các ngành, đơn vị liên quan khắc phục khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai.
Sở đã chủ động, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản tháo gỡ những “điểm nghẽn” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực phát triển. Cùng với đó, Sở tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn, quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường thuộc trách nhiệm của Sở. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng được tăng cường; kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, viên chức, người lao động được nâng cao. Sở thường xuyên việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện trách nhiệm của cán bộ công chức, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường đối thoại và kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai; các quy định, chính sách liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; công khai, minh bạch thông tin trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng và triển khai Kế hoạch đấu giá đất hàng năm; rà soát và thu hồi đất của các dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật.
>> Geleximco đầu tư xây dựng nhà máy ô tô 800 triệu USD tại Thái Bình
>> Thái Bình: Chú trọng bảo vệ mội trường trong các khu, cụm công nghiệp
- Được biết, để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, tỉnh Thái Bình chọn lọc thu hút các dự án tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về chủ trương này?
Hiện nay, thu hút đầu tư tại Thái Bình đã chuyển dần từ “lượng” sang “chất”, nghĩa là chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm các dự án thu hút đầu tư. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã khẳng định rõ quan điểm này.
Sự thay đổi này đã làm cho dòng vốn thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ồ ạt như trước mà sẽ được sàng lọc kỹ hơn, chất lượng hơn. Thực tế những dự án thu hút mới và tăng vốn đầu tư thời gian qua đều là những lĩnh vực Thái Bình đang khuyến khích đầu tư.
Đơn cử, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư quốc tế với mong muốn thu hút đầu tư được các dự án lớn, đảm bảo tiêu chí, xanh, sạch và sản xuất bền vững. Cụ thể, ngày 8/9/2023, tại thành phố Auckland (New Zealand), UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand tổ chức hội nghị xúc tiến giao thương, đầu tư vào tỉnh Thái Bình; ngày 11/9 tại thành phố Sydney, tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Australia tổ chức “Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Australia” và “Hội nghị xúc tiến giao thương, đầu tư vào tỉnh Thái Bình”;...
Cùng với đó, Thái Bình thường xuyên quan tâm, khuyến khích việc chuyển đổi, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tăng cường sự tuần hoàn để thu hồi vật liệu và năng lượng, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường đối với các dự án đầu tư vào tỉnh.
Việc phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình luôn đảm bảo theo quy hoạch, ưu tiên lựa chọn thu hút các nhà đầu tư hạ tầng các KCN, CCN có năng lực, kinh nghiệm. Các KCN, CCN đã được giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn về môi trường; 100% KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Đến thời điểm này, 100% các dự án đầu tư mới khi được cấp giấy phép môi trường mới được phép hoạt động chính thức.
- Trân trọng cảm ơn Ông!
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Hành trình kiến tạo phát triển chuyển đổi số
15:45, 30/11/2023
Thái Bình: Gia tăng sức hút với các nhà đầu tư Hàn Quốc
01:08, 23/11/2023
Thái Bình: Tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách
08:36, 26/10/2023
Thái Bình: Đẩy nhanh tiến độ dự án khu công nghiệp 2.200 tỷ đồng
11:21, 17/10/2023
“Ông lớn” ngành đồ uống Hàn Quốc rót vốn vào Thái Bình
07:19, 17/10/2023
Thái Bình: Quảng bá sản phẩm OCOP tại lễ hội chùa Keo
23:04, 16/10/2023