Để khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ KCN Hải Long, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, huy động ngay nguồn lực đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.
>>>Thái Bình: Hướng phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh thân thiện môi trường
>>>Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc nỗ lực thực hiện mục tiêu 2030
Dự án đặt ra nhiều kỳ vọng
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Hải Long được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1370/QĐ-TTg ngày 9/11/2022, do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng KCN Bảo Minh làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích gần 300ha, thuộc địa phận các xã Đông Long, Đông Trà và Đông Xuyên, huyện Tiền Hải, với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Ngày 15/2/2023, KCN Hải Long đã được tổ chức khởi công động thổ. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo hơn 24.000 việc làm, đóng góp cho ngân sách tỉnh trung bình khoảng 164 tỷ đồng/năm.
Ngay từ khi được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt quy hoạch, nhiều nhà đầu tư lớn đã quan tâm và ký biên bản ghi nhớ về đầu tư tại KCN Hải Long. Bởi, khu công nghiệp này được xác định là điểm đến đầu tư giàu tiềm năng vì không chỉ có quỹ đất công nghiệp lớn mà còn nằm ở vị trí đắc địa, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi. KCN Hải Long được quy hoạch nằm ven sông Trà Lý, có đường bộ ven biển, đường ĐT.464, ĐT.221D tạo ra mạng lưới giao thông kết nối cả đường bộ và đường thủy cho KCN, giúp hoạt động vận tải dễ dàng, nhanh chóng phục vụ hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Ngoài ra, KCN Hải Long chỉ cách sân bay và cảng nước sâu ở Hải Phòng khoảng 40km cũng là điều kiện lý tưởng cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất cũng như xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh (Chủ đầu tư KCN Hải Long) cho biết, xác định đây là dự án lớn, trọng điểm nên chúng tôi quyết tâm đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế với tiêu chí hàng đầu là tiện ích, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, ngay từ khi bắt tay vào lập quy hoạch chi tiết, Công ty đã thiết kế hệ thống giao thông kết nối của khu công nghiệp, hệ thống cấp thoát nước, đường điện, hệ thống cây xanh và nhà máy xử lý nước thải tập trung một cách đồng bộ, tối ưu.
Cũng giống như KCN Liên Hà Thái, KCN Hải Long nằm trong Khu kinh tế Thái Bình nên các nhà đầu tư thứ cấp khi đầu tư dự án vào đây được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt theo quy định của trung ương cùng những cơ chế khuyến khích đầu tư của tỉnh Thái Bình, như: ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào, hỗ trợ san lấp mặt bằng, hỗ trợ xây dựng và kinh doanh nhà xưởng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại và các thủ tục hành chính về đầu tư.
Tại buổi kiểm tra thực tế dự án KCN Hải Long mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cũng nhấn mạnh, cũng như KCN Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy), KCN Hải Long là dự án trọng điểm nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, có ý quan trọng trong thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên đến nay, tiến độ triển khai dự án KCN Hải Long chậm, chưa đạt được kỳ vọng của UBND tỉnh.
Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
>>>Hải Phòng: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp sinh thái
Được biết, ngay từ đầu các ngành, các cấp của tỉnh Thái Bình đã rất nỗ lực để nhanh chóng triển khai dự án KCN Hải Long nhưng việc thực hiện dự án đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Cụ thể, theo UBND huyện Tiền Hải, hiện doanh nghiệp đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng KCN Hải Long giai đoạn 1, có diện tích 30,6ha. Nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong, mới giải phóng được 30ha và đang triển khai giải phóng diện tích còn lại để sớm bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng.
Nguyên nhân của việc chậm trễ trong quá trình giải phóng mặt bằng là do, đây là vùng sản xuất chồng lấn giữa nuôi trồng thuỷ sản và cấy lúa cho nên việc hoàn thiện hồ sơ về đất đai, quy chủ, kê khai hộ… rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nằm giữa KCN Hải Long là đường bộ ven biển đang thi công theo tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, dẫn đến tình trạng đất ruộng xen kẹt giữa đường bộ và khu công nghiệp chưa được đền bù, việc này cũng dẫn đến bức xúc lớn cho người dân…
Ngoài ra, tuyến đường ven biển là giao thông chính để vào khu công nghiệp hiện vẫn còn dở dang, đơn vị đầu tư mới làm được khuôn đường, lu lèn cát… nên KCN Hải Long chưa có đường giao thông để phục vụ thi công hạ tầng và nhà máy. Vì thế, gây khó khăn rất lớn cho quá trình thu hút đầu tư vì giao thông là điều kiện tiên quyết để có thể thu hút được nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Kiểm, những khó khăn trên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án. Kế hoạch triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng do thiếu tính đồng bộ. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hút đầu tư vào KCN Hải Long. Do vậy, đề xuất tỉnh Thái Bình có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án đảm bảo theo đúng tiến độ.
>>>Bình Dương tăng sức hút từ các khu công nghiệp
Để khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu huyện Tiền Hải, các ngành chức năng phải thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp ngay.
Huyện Tiền Hải cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tập trung triển khai đồng bộ giải pháp, các bước quy trình bảo đảm giải phóng mặt bằng theo đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư hạ tầng.
Các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh phối hợp với huyện Tiền Hải và nhà đầu tư hạ tầng sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giúp nhà đầu triển khai dự án một cách thuận lợi, hiệu quả.
Về phía chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh khi có mặt bằng sạch, bắt tay ngay vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Trước mắt tập trung khắc phục khó khăn, tổ chức san lấp, đầu tư thi công hệ thống giao thông vào khu công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải tập trung, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư, lựa chọn những dự án thứ cấp có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào khu công nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
"Ông lớn" Sumitomo muốn đầu tư khu công nghiệp hơn 300 ha tại Nam Định.
15:53, 26/08/2023
Huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn): Hút đầu tư khu công nghiệp
18:25, 29/06/2022
Góp ý sửa đổi Nghị định 82: Cần hơn nữa cơ chế, ưu đãi cho nhà đầu tư khu công nghiệp
03:00, 24/09/2021
Đơn giản thủ tục thu hút đầu tư khu công nghiệp
01:57, 29/03/2021
THACO đầu tư khu công nghiệp sản xuất phụ tùng xuất khẩu
08:58, 25/11/2019