Thanh Hóa: Tìm giải pháp giúp cảng cá hơn 43 tỷ đồng “thoát ế”
Cảng cá Hoằng Phụ (Thanh Hóa) được đầu tư hơn 43 tỉ đồng bị bỏ không gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư. Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều phương án nhưng đến nay cảng cá vẫn chưa “thoát ế”.
>>Hà Tĩnh: “Tắc” giải phóng mặt bằng, nhiều dự án đắp chiếu
Cảng cá hơn 43 tỷ đồng… bỏ hoang
Được biết, Cảng cá Hoằng Phụ (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư, nâng cấp từ năm 2012 (điều chỉnh năm 2016) với tổng số vốn hơn 43 tỉ đồng. Đây là một trong những tiểu dự án thuộc Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa, vốn vay Ngân hàng Thế giới, do Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Quy mô dự án gồm nhà điều hành, sân bến, cọc neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, cấp thoát nước, bể xử lý nước thải, kè bờ bao, hai nhà tiếp nhận và phân loại thủy hải sản và nhiều công trình phụ trợ khác. Sau khi hoàn thành dự kiến sẽ đảm bảo điều kiện cho việc bốc dỡ, sơ chế, bảo quản khoảng 5.400 tấn thủy sản/năm; cung cấp dịch vụ hậu cần và làm nơi neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền trên địa bàn xã Hoằng Phụ và các vùng lân cận.
Công trình có mục tiêu đảm bảo điều kiện bốc dỡ, sơ chế, bảo quản khoảng 5,4 nghìn tấn thủy sản mỗi năm, cung cấp dịch vụ hậu cần và làm nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân xã Hoằng Phụ và vùng lân cận.
Tuy nhiên, sau 6 năm hoàn thành và đưa vào sử dụng thì cảng cá không phát huy được hiệu quả đầu tư, các tàu cá công suất từ 20CV trở lên không thể vào cảng do khu vực bến nước cạn, phù sa bồi lắng.
Theo phản ánh của ngư dân xã Hoằng Phụ cho biết, khi cảng cá mới đi vào hoạt động, nhiều ngư dân cũng háo hức sắm tàu lớn để ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, việc cảng cá bị bồi lắng nên tàu thuyền công suất lớn không thể ra vào cảng được, tàu thuyền nhỏ muốn ra khơi đánh bắt cũng phải dựa vào thủy chiều khiến cho hàng loạt tàu cá của ngư dân phải nằm bờ. Cảng cá không có tàu thuyền nên tiểu thương cũng không qua lại, buôn bán ở đây khiến cảng cá bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí.
Hiện nay, bên trong khuôn viên cảng cá xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa gần như không có hoạt động nào liên quan nghề cá. Các hạng mục công trình như nhà điều hành, sân bến, cọc neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, cấp thoát nước, kè bờ bao, hai nhà tiếp nhận và phân loại thủy hải sản và nhiều công trình phụ trợ khác đều xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa.
Loay hoay tìm giải pháp
Để gỡ khó cho cảng cá Hoằng Phụ, năm 2018, UBND huyện Hoằng Hóa chỉ đạo UBND xã Hoằng Phụ nạo vét luồng lạch ra vào cảng, nhưng tình trạng bồi lắng quá lớn, cộng với ảnh hưởng từ mỗi trận lũ đến đem theo phù sa vào nên chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng bồi lắng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác Cảng cá Hoằng Phụ sang doanh nghiệp quản lý theo hình thức đấu giá cho thuê tài sản; ngày 29/10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đồng ý cho thí điểm.
Năm 2022, UBND huyện Hoằng Hóa đã triển khai các bước lựa chọn tổ chức đấu giá cho thuê quyền khai thác Cảng cá Hoằng Phụ. Tuy nhiên cả 3 lần tổ chức chào mời đấu giá nhưng không có bất cứ đơn vị nào tham gia.
>>TP.HCM ra “tối hậu thư” cho dự án Vành đai 3
Sau nhiều lần đấu giá không thành công, nên ngày 08/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 325, trong đó giao UBND huyện Hoằng Hóa tiếp tục quản lý và sử dụng có hiệu quả Cảng cá Hoằng Phụ theo quy định.
Ông Lê Huy Cường, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hoằng Hóa, cho biết cả 3 lần tổ chức đấu giá nhưng không có doanh nghiệp nào tham gia. Hiện cảng cá Hoằng Phụ hiện do UBND huyện Hoằng Hóa quản lý.
"Hiện nay, việc vận hành cảng cá vẫn gặp nhiều khó khăn do cán bộ ít, công việc nhiều, kinh phí hoạt động khó khăn. Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều đề giải pháp nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn” ông Cường cho biết thêm.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả Cảng cá theo quy định; bố trí kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng Cảng cá và nạo vét luồng lạch ra vào cảng, vùng nước trước cảng, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, cho phép thực hiện nạo vét, khơi thông luồng từ cửa lạch Sông Cung vào đến vùng nước trước Cảng cá theo hình thức xã hội hóa.
Như vậy, sau 6 năm hoạt động, tình trạng cảng cá bị bỏ hoang không phát huy được công năng sử dụng đã gây lãng phí lớn về nguồn lực đầu tư. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần sớm có giải pháp để giúp cảng cá hoạt động có hiệu quả, tránh để tình trạng "ế ẩm" như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Thu hút FDI của Thanh Hóa năm 2023 và triển vọng
13:41, 29/11/2023
Thanh Hóa: Chuyển mình mạnh mẽ, kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số
12:34, 28/11/2023
Thanh Hoá: Xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP
16:44, 26/11/2023
Chi hội báo chí Trung ương tại Thanh Hóa đồng hành cùng học sinh vùng cao
08:18, 23/11/2023