Đồng Tháp: Tạo giá trị mới từ chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang được Đồng Tháp triển khai, thực hiện trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số là mục tiêu mà tỉnh Đồng Tháp hướng đến nhằm tạo những giá trị mới trong quản lý, vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH.
Chuyển đổi số đang được Đồng Tháp triển khai, thực hiện trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển, thay đổi phương thức quản lý của hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp tập trung chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch bám theo định hướng của Trung ương, triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực.
Đối với xây dựng chính quyền số, tỉnh đã hoàn thiện kho dữ liệu số cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ cho việc số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tái sử dụng cho những lần thực hiện thủ tục hành chính tiếp theo.
Thực hiện Đề án 06, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã hiệu chỉnh chức năng cho phép người sử dụng sử dụng mã định danh công dân đăng nhập để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về Cổng dịch vụ công Quốc gia, đã tích hợp 763 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 47,54%); 214 dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 13,33%).
9 tháng năm 2023, Tổng đài 1022 của tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 3.024 ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp, đã trả lời 3.013 ý kiến (chiếm tỷ lệ 99,64%), còn 11 ý kiến đang xử lý (chiếm tỷ lệ 0,36%). Tỉnh đã hoàn thành công tác đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện.
Đến nay, 80% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh ước đạt 6,42%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee... Một số doanh nghiệp từng bước ứng dụng các hệ thống thông minh trong quá trình hoạt động sản xuất như hệ xử lý kho thông minh, hoạch định tài nguyên doanh nghiệp, lập kế hoạch và quản lý sản xuất... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Về phát triển xã hội số, đến nay tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80% và tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%. Tại các địa phương, bên cạnh các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập thí điểm theo quyết định của UBND tỉnh, đến nay, có 320 khóm, ấp đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở đoàn cũng đã xung kích thành lập tổ thanh niên chuyển đổi số cộng đồng ở cả 12/12 huyện, thành phố; 143/143 xã, phường, thị trấn với số lượng hơn 950 đoàn viên, hình thành nên một lực lượng mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống.
Đến nay, các lực lượng này đã tổ chức hơn 3.300 hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận gần 232.000 lượt người dân, hộ gia đình để hỗ trợ các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt và sử dụng VNeID, ứng dụng e Dongthap và khai thác nhiều tiện ích khác.
Tăng tốc chuyển đổi số
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, nhanh và bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch hằng năm để tạo cơ sở pháp lý và sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Chính vì vậy, chuyển đổi số của tỉnh năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2022, Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Đồng Tháp tăng 10 bậc (xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index 2022) tăng 9 bậc (xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố)…
Thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng các kế hoạch cụ thể hóa Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và phong trào thi đua “Đồng Tháp đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021 - 2025, nhằm xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác. Cùng với tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh tế số khởi nghiệp, gia nhập vào không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh, qua đó tăng dần tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh, Đồng Tháp cũng tiếp tục triển khai Kế hoạch số 152 ngày 5/5/2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, tập trung các giải pháp cải thiện chỉ số DTI, nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi số, nhất là 3 lĩnh vực trọng tâm: nông nghiệp, y tế, giáo dục. Đồng thời, đánh giá hiệu quả các mô hình liên quan đến chuyển đổi số, công tác chuyển đổi số các ngành, các cấp… góp phần thúc đẩy chuyển đổi số chuyển động nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm