Dịch vụ “stream” nhạc phát triển, bản quyền âm nhạc lên ngôi

QUÂN BẢO 10/12/2020 05:08

Một danh mục nhạc như vậy kiếm được tiền bản quyền hàng năm tăng từ 10 - 20 lần so với chỉ 8 - 13 lần trong vài năm trước đây.

Năm 1983, trong một buổi thu âm, huyền thoại của nhóm nhạc The Beatles, Paul McCartney đã nói với Michael Jackson rằng, bản quyền âm nhạc là một khoản đầu tư rất quý giá.

Nghe vậy, ông vua nhạc Pop Michael Jackson liền bỏ ra 47 triệu USD để mua hết bản quyền 251 bài hát của… chính The Beatles. Số nhạc này, Paul McCartney đã phải mất hơn 30 năm qua mới lấy lại được bản quyền.

Những lời nói của Paul ngày nào, giờ đây đã là “kim chỉ nam” để giới nhạc sĩ và những người làm nghệ thuật hướng đến. Trong vài ngày qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều thương vụ đình đám trong lĩnh vực âm nhạc:

  • Bob Dylan bán danh mục hơn 600 bài hát của mình cho Universal Music Publishing Group với giá hơn 300 triệu USD
  • Stevie Nicks (Fleetwood Mac) bán hơn 80% cổ phần sở hữu các ca khúc của mình cho nhà sản xuất âm nhạc Primary Wave với giá gần 100 triệu USD.

Theo Wall Street Journal, những thương vụ kiểu này ngày càng “phình to” về giá. Đây chính là một phần hệ quả đến từ sự phổ biến và phát triển của các nền tảng phát nhạc trực tuyến như Spotify hay Tidal.

Một danh mục nhạc như vậy kiếm được tiền bản quyền hàng năm tăng từ 10 - 20 lần so với chỉ  8 - 13 lần trong vài năm trước đây.

Vậy bản quyền âm nhạc là gì? Theo The Economist, một khi một bài nhạc được thu âm, sẽ có 2 loại bản quyền được sinh ra: một cho việc sáng tác bài hát, và hai cho bản thu âm. Từng loại bản quyền lại chia ra làm ba phần:

  • Bản quyền vật lý (cho các ấn phẩm bán ra dưới dạng vật chất hay được phát trực tuyến)
  • Bản quyền biểu diễn (khi nhạc được phát trên radio hay trình diễn trên sân khấu)
  • Bản quyền đồng bộ (khi nhạc được dùng cho phim ảnh hay trò chơi điện tử)

Các liên doanh như Royal Exchange (nền tảng giao dịch nhạc bản quyền) và Hipgnosis (một quỹ các bài hát được niêm yết công khai, nơi đã chi hơn 800 triệu USD để sở hữu hơn 13.000 bài hát) là một trong những đơn vị đảm bảo thu nhập cho giới nghệ sĩ dưới dạng bản quyền.

Quan trọng hơn, nhà đầu tư đang dần nhìn nhận nghiêm túc hơn về thị trường nhạc bản quyền bởi những lợi ích mà nó mang lại, ví dụ như thu nhập ổn định với lãi suất thấp hay tính tương quan thấp với các loại tài sản khác.

Với sự ngày càng ăn nên làm ra của những ứng dụng nghe nhạc như Spotify hay Apple Music, bản quyền âm nhạc sẽ ngày càng sinh lời mạnh hơn.

Về phần McCartney, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm với Sony/ATV - đơn vị sở hữu bản quyền của Jackson - ông cuối cùng cũng đạt được một thoả thuận. Đến năm 2026, ông sẽ kiểm soát hoàn toàn các bài nhạc của mình. Số nhạc này từ 47 triệu USD, bây giờ đã có giá trị vượt quá 1 tỷ USD.

Còn gì nữa nhỉ?

FDA cho biết vắc xin của Pfizer và BioNTech cho thấy tính hiệu quả, và có thể được cấp phép trong ngày hôm nay.

Apple cuối cùng cũng cho ra mắt mẫu tai nghe chụp tai AirPod Max với giá “chỉ” 549USD.

Ứng dụng thiền thư giãn Calm đạt mức định giá 2 tỷ USD khi số lượng người dùng ngày càng tăng trong mùa dịch.

Tesla đang thu về tiền mặt từ cổ phiếu của mình sau khi phát hành tới 5 tỷ USD cổ phiếu mới trong đợt chào bán thứ hai trong vòng 3 tháng.

Trung Quốc vừa ban lệnh cấm sử dụng 105 ứng dụng vì nội dung mang tính xúc phạm, trong đó có cả TripAdvisor.

Có thể bạn quan tâm

  • Mùa dịch, ứng dụng giao dịch đồ cũ ‘lên hương’

    Mùa dịch, ứng dụng giao dịch đồ cũ ‘lên hương’

    06:00, 09/12/2020

  • IKEA khai tử một huyền thoại marketing 60 năm tuổi

    IKEA khai tử một huyền thoại marketing 60 năm tuổi

    05:08, 09/12/2020

  • “Cuộc chiến dòng điện” của Elon Musk

    “Cuộc chiến dòng điện” của Elon Musk

    05:08, 08/12/2020

  • Quibi và câu chuyện về thất bại của chính mình

    Quibi và câu chuyện về thất bại của chính mình

    05:28, 07/12/2020

QUÂN BẢO