Thú vị chuyện đặt tên doanh nghiệp năm 2020

QUÂN BẢO 02/01/2021 04:00

Không chỉ gây chú ý đến khách hàng, cách đặt tên công ty còn phản ánh tình hình hỗn loạn, khó khăn, kỳ dị của thế giới trong năm 2020.

Đặt tên quái dị

Năm 2020 chứng kiến hàng loạt startup có những cái tên kỳ lạ. Tiên phong cho phong trào này phải kể đến công cụ thuyết trình từ xa Mmhmm (đồng âm với từ Ừm). Và công ty này xuất phát từ một vườn ươm startup có cái tên cũng thú vị không kém: All Turtles (tất cả mọi loài rùa).

Phil Libin, nhà sáng lập Mmhmm, chia sẻ: “Tôi rất thích cái tên này, ngoài việc nó độc đáo, thì người ta còn dễ dàng nói ra từ này trong lúc vô thức”.

Vì đây là công cụ hỗ trợ người dùng thuyết trình qua video. Khi thuyết trình, âm thanh diễn giả vô thức hay nói ra nhất chính là từ “ừm”. Thành thử, Libin không hề nghĩ cái tên Mmhmm này có vẻ ngu ngốc, mà ngược lại rất thanh nhã.

Thời đại “dot com” những năm 2000 xuất hiện rất nhiều tên miền chung chung như Cars.com hoặc Pets.com.

Gần đây, một số startup cũng bắt đầu chọn những cái tên giống tên người, rất chung chung, chẳng mang một ý nghĩa cụ thể nào, chẳng hạn Casper (sản phẩm nệm), Oscar (bảo hiểm sức khỏe), Cora (băng vệ sinh), Olivers (một thương hiệu đồ gia dụng và một thương hiệu hệ thống điểm bán hàng),...

Những cái tên vừa có tính gắn kết vừa vui nhộn cũng được đưa vào tầm ngắm. Chẳng hạn Basecamp vừa cho ra mắt dịch vụ thư điện tử “Hey” - một cụm từ cực kỳ thông dụng.

Một số công ty khác lại lựa chọn những cái tên khó phát âm để gây ấn tượng, chẳng hạn thương hiệu bột nhào bánh quy Doughp (phát âm như “Dope”) hoặc MSCHF (phát âm như “mischief”, nghĩa là Bà đầu bếp).

Ngoài ra, các startup cũng bắt đầu lựa chọn những cụm từ hiện đại, chẳng hạn công ty Meet Cute (New York). Startup này đã kêu gọi thành công 9 triệu USD vốn đầu tư trong năm nay.

Jonah Fay-Hurvitz, Giám đốc Chiến lược Red Antler, cho rằng xu hướng này không phải là điều tự nhiên. Theo ông, cách đặt tên thường phản ánh trực tiếp những gì đang diễn ra trên thế giới. Giờ đây, nhân loại đang ở trong giai đoạn cần sự nhẹ nhõm, tích cực và những tiếng cười vui vẻ. Vậy nên những cái tên ngộ nghĩnh như vậy lại hợp thời.

Đặt tên hướng đến cộng đồng

Trong khi đó, một số doanh nghiệp mới thành lập gần đây lại đi theo hướng chọn những cái tên đơn giản, hài hòa, thể hiện tầm nhìn cởi mở, hướng đến cộng đồng và thế giới. Những cái tên này phản ánh các chiến dịch vì công bằng xã hội, chẳng hạn thương hiệu trang phục ở nhà Everybody and Everyone (Tất cả mọi người), dịch vụ chăm sóc cá nhân By Humankind (Nhân loại), thương hiệu đồ dùng nhà bếp Our Place (Nơi chúng ta sống) hoặc thương hiệu chăm sóc da Humanrace (Nhân loại).

Trong thời kỳ xã hội bị chia cắt như hiện nay, những cái tên kiểu vậy thể hiện rõ tầm nhìn và sứ mệnh tích cực của các thương hiệu. Từ đó, họ có thể xây dựng tính cộng đồng và đoàn kết. Theo dự đoán, xu hướng này vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2021.

Một vài điều cần nhớ khi chọn tên công ty

Các chuyên gia cho rằng khi đặt tên cho công ty, người sáng lập đừng sa vào những cụm từ quá trực tiếp, vì khả năng đụng hàng rất cao. Chẳng hạn nếu là một công ty điện toán đám mây, thì hãy quên cái tên “Cloud” (đám mây) đi, mà hãy chú ý đến những cụm từ liên quan hơn, chẳng hạn “Snowflake” (bông tuyết). Đây cũng là một công ty đã tiến hành IPO với giá trị 3.4 tỷ USD trong năm nay.

Ngoài ra, tên công ty cần có sức lan truyền, gây ấn tượng và tự trở thành một công cụ quảng cáo miễn phí cho chính thương hiệu, dịch vụ hoặc sản phẩm.

Steve Manning, nhà sáng lập Igor, dự đoán xu hướng đặt tên năm 2021 sẽ là tổng hợp tất cả biến động của năm 2020. Khi con người dần thoát khỏi những bi kịch, họ sẽ tập trung vào những gì quan trọng nhất. Theo ông, năm 2021, thế giới sẽ chứng kiến nhiều cái tên táo bạo và thú vị hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Xu hướng digital marketing năm 2021

    Xu hướng digital marketing năm 2021

    05:08, 01/01/2021

  • Năm 2020, cả thế giới “bé” bằng... cái màn hình

    Năm 2020, cả thế giới “bé” bằng... cái màn hình

    04:28, 01/01/2021

QUÂN BẢO