Công ty mỹ phẩm và "cuộc chơi" với công nghệ AR (Phần 2)
Công nghệ AR không chỉ giúp các thương hiệu làm đẹp tiếp cận đến khách hàng ở nhà hay đang di chuyển, mà còn có ứng dụng ngay tại cửa hàng.
Tăng cường AR tại cửa hàng
Với việc nhiều nhà bán lẻ chấm dứt việc sử dụng người mẫu trang điểm do các lo ngại về dịch, các buổi trình diễn trên môi trường mạng trở nên phổ biến hơn cả khi nhãn hàng nỗ lực để mang đến trải nghiệm không khác gì khi đang mua sắm tại cửa hàng.
Ulta Beauty, chuỗi bán lẻ bị buộc phải đóng cửa 1,264 cửa hàng của mình khi Covid-19 xảy ra, đã phát triển ứng dụng thử đồ GlamLab của mình và chứng kiến số lượng người dùng tăng vọt - họ thậm chí vẫn duy trì ứng dụng này khi cửa hàng mở trở lại. GlamLab ban đầu ra mắt với tính năng trang điểm thử khi chụp ảnh, được phát triển bởi GlamSt - về sau được Ulta mua lại vào năm 2018 trong một nỗ lực đón đầu xu hướng công nghệ mới.
Theo Hogan, trong năm ngoái đã có 19 triệu lượt sử dụng ứng dụng GlamLab - cao hơn 5 lần so với năm trước đó. “Các cửa hàng giờ đây phải đặt những tấm biển yêu cầu khách hàng mở ứng dụng ngay tại quầy để lựa chọn sản phẩm yêu thích. Trải nghiệm mua sắm giờ đây phong phú hơn khi bạn có thêm một công cụ kĩ thuật số để hỗ trợ ra quyết định.”
GlamLab có thể sẽ vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược bán hàng trên môi trường mạng của công ty ngay cả khi công ty phát triển các mô hình bán hàng nhỏ lẻ hơn. Target và Ulta vào tháng 11 đã công bố kế hoạch mở hơn 100 cửa hàng mang thương hiệu Ulta trong các cửa hàng Target vào giữa năm 2021.
"Đặt cửa hàng Ulta Beauty tại Target là bước tiếp theo trong chiến lược bán hàng đa kênh của chúng tôi - tất cả khai thác tiềm năng của cả kênh bán hàng tại chỗ và trên mạng", Giám đốc điều hành của Ulta, Mary Dillon cho biết trong một tuyên bố mới đây.
Quan hệ đối tác với Target mang lại cho Ulta nhiều hỗ trợ hơn cho việc nhập hàng trong ngày khi các công ty ngày càng phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn với những gã khổng lồ về thương mại điện tử như Amazon.
AR dành cho mọi người
Các ứng dụng AR cho làm đẹp đã phát triển nhanh chóng - giờ đây bạn có thể thử các sản phẩm dành cho tóc, móng tay và kính áp tròng ngay trên điện thoại, trong bối cảnh các nhãn hàng tiếp tục khai thác tiềm năng của công nghệ này.
Thương hiệu màu tóc Garnier của L'Oréal có các sản phẩm thử trên Google Lens, ứng dụng nhận dạng hình ảnh của gã khổng lồ tìm kiếm. Sau khi quét hộp Garnier trong các cửa hàng bằng ứng dụng, bạn sẽ kích hoạt nền tảng Modiface của L'Oréal để mô phỏng màu tóc thông qua AR. Việc tích hợp nhận dạng hình ảnh và AR có thể nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng của người mua khi họ quay trở lại cửa hàng, trong bối cảnh các tiếp xúc vật lý đang được hạn chế tối đa vì dịch bệnh.
Johnson & Johnson đã hợp tác với Perfect để giúp người tiêu dùng ở Trung Quốc dùng thử các màu kính áp tròng khác nhau bằng AR. Gã khổng lồ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp đã tích hợp một chương trình nhỏ liên quan đến thương hiệu Acuvue trong ứng dụng nhắn tin nổi tiếng WeChat và ứng dụng mua sắm xã hội Taobao, cho thấy các đơn vị bán hàng tiêu dùng lớn đang để ý đến trào lưu công nghệ của các thương hiệu mĩ phẩm, qua đó đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng.
AR đã và đang trở thành một công nghệ phổ biến trong lĩnh vực làm đẹp trong vài năm qua, và đại dịch đã thúc đẩy các nhãn hàng tìm kiếm những cách sáng tạo và hấp dẫn để tiếp cận người tiêu dùng cũng như thay thế trải nghiệm tại cửa hàng. Đây chắc chắn sẽ là một xu hướng đáng theo dõi trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm