Đằng sau việc Nike bán giày cũ tân trang
Không chỉ là giảm thiểu rác thải sản xuất, NIKE đang định hướng thói quen mua sắm mới của khách hàng với chiến dịch này.
Nếu bạn bỏ lỡ một mẫu giày Nike, giờ đây bạn sẽ có cơ hội thứ hai để mua lại với mức giá kinh tế hơn nhiều.
Nike vừa tung ra chương trình “Nike Refurbished” (tạm dịch: Giày Nike tân trang), một chương trình mua giày cũ, tân trang và bán lại sẽ được thử nghiệm tại 15 cửa hàng Nike ở Hoa Kỳ bắt đầu từ tháng này.
Khách hàng có giày cũ có thể mang “bán lại” cho Nike. Nếu đủ điều kiện, Nike sẽ làm sạch và vệ sinh giày, sửa chữa (nếu cần). Sau đó, những đôi giày này được trưng lên kệ để bán cho những khách hàng khác với giá thấp hơn rõ rệt.
Nike Refurbished được coi như là một minh chứng của sự đầu tư vào cái gọi là “tương lai tuần hoàn” của công ty, trong đó chất thải sản phẩm được giảm thiểu tối đa.
Gần đây, Nike cũng đã công bố các mục tiêu bền vững năm 2025 của mình trong đó bao gồm sự tăng cường gấp 10 lần các sản phẩm tân trang lại hoặc làm từ nguyên liệu tái chế.
Otto, Phó chủ tịch Nike Direct North America chia sẻ: “Sự cấp bách của biến đổi khí hậu đòi hỏi phải đổi mới… Nếu không có hành tinh, thì không có thể thao.”
Đằng sau chiến dịch “Nike Refurbished”
Nhưng ngoài là “minh chứng” cho việc quan tâm đến biến đổi khí hậu trái đất của Nike, chiến dịch này còn hướng đến một mục tiêu khác: đẩy mạnh xu hướng DTC (Direct to customer - trực tiếp đến khách hàng).
Được biết Nike và một số đối thủ cạnh tranh đang dần rút lại hoạt động bán buôn để quay sang DTC. Mô hình DTC được xem là xu hướng mới trong việc phân phối hàng hóa trực tiếp từ công ty sản xuất đến tay người tiêu dùng thông qua việc tự mở và vận hành cửa hàng bán lẻ, kênh thương mại điện tử của chính mình mà không phải thông qua bên trung gian (nhà phân phối, đại lý uỷ quyền hoặc nền tảng TMĐT khác).
Mô hình này mang lại hiệu quả với Nike khi mang về doanh số 6.6 tỷ đô vào năm 2015 và 16 tỷ đô vào 2020.
Mấu chốt để làm DTC thành công là chú trọng vào khách hàng nhiều hơn là việc phân phối sản phẩm. Nike Refurbished hỗ trợ mục tiêu đó bằng cách tạo ra một trải nghiệm hướng thẳng đến khách hàng tại từng cửa hàng bán lẻ của mình.
Tại đây, Nike giúp Khách hàng mới có nhiều sự lựa chọn hơn, đồng thời giải quyết được vấn đề của những khách hàng cũ khi sản phẩm đã mua không còn phù hợp. Đây cũng là cơ hội giúp tạo dựng mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng.
Việc triển khai DTC thành công mang lại rất nhiều lợi thế cho các thương hiệu lớn như Nike hay Levi’s. Với phương thức bán hàng DTC, khách hàng sẽ được tạo dựng một thói quen “tới thẳng hãng” để mua, thay vì lang thang khắp các cửa hàng và chọn lựa giữa các thương hiệu khác nhau. Đó chính là lòng trung thành của khách hàng. Rõ ràng là mục tiêu của các thương hiệu khi đẩy mạnh triển khai DTC thời gian gần đây.
Có thể bạn quan tâm