Facebook đang âm thầm thâu tóm thị trường thực tế ảo
Thực tế ảo có thể là một hình thức “thoát ly” khỏi thế giới hiện tại, nhưng ngay cả khi ở đó, bạn cũng không thể thoát khỏi quảng cáo. Đặc biệt là khi Mark Zuckerberg đang ở sau “tay lái”.
Facebook đã mua hãng làm thiết bị thực tế ảo (Virtual Reality - VR) Oculus năm 2014. Khi mới mua, Zuckerberg hứa sẽ để hãng này hoạt động tương đối độc lập với Facebook. Nhưng đến tháng 10 năm ngoái, Facebook đã ‘tiếm hết’ quyền kiểm soát toàn bộ Oculus.
Và đến cuối tuần trước, Facebook đã thông báo rằng họ sẽ thử nghiệm quảng cáo dùng công nghệ VR với mục tiêu biến hệ thống VR Oculus trở thành “một nền tảng tự duy trì”, nơi các nhà phát triển có thể kiếm được doanh thu.
Công ty sẽ không sử dụng dữ liệu thu thập qua Oculus để sử dụng cho các quảng cáo hướng đối tượng. Hướng đi này khác biệt hẳn với việc theo dõi người dùng để quảng cáo của Facebook hay Instagram.
Nhưng thay vào đó, công ty sẽ nhận thông tin về cách người dùng tương tác với những quảng cáo mà họ thấy. Và cũng giống như trên Facebook, người dùng có thể ẩn các quảng cáo hoặc các đơn vị quảng cáo cụ thể, hoặc tìm hiểu thêm thông tin về những gì họ đang thấy (dĩ nhiên, những hành động này sẽ càng ‘giúp’ Oculus quảng cáo nhắm chính xác đối tượng hơn).
Quảng cáo sẽ ra mắt đầu tiên trong Blaston - một trò chơi chiến đấu - trước khi đưa vào các trò chơi và ứng dụng khác trong những tuần tiếp theo.
Facebook “tất tay” với VR
Theo Alex Heath của tờ The Verge, Facebook đang xây dựng một vị thế “gần như độc quyền trong thị trường VR”. Điều này bao gồm các thương vụ mua lại 2 studio chơi game là Unit 2 Games và Big Box VR gần đây. Điều đó cho thấy Facebook đánh giá cao tiềm năng của thị trường này trong tương lai.
Nhà phân tích công nghệ Casey Newton cho biết Facebook có chưa đến 10 triệu tai nghe Oculus đang lưu hành - con số khá khiêm tốn so với doanh số bán hàng trọn đời của Sony là hơn 100 triệu mẫu PlayStations.
Có vẻ FB đang tiếp tục thể hiện tham vọng “độc chiếm” VR bằng các thương vụ “mua sạch” các startup VR. Giống như 10 năm trước, FB tung tiền mua sạch tất cả các mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin tiềm năng trên thị trường. Tiêu biểu là các thương vụ mua lại Instagram (2012) và WhatsApp (2014).
Nay khi mảng quảng cáo trên Facebook, Instagram đang nhìn thấy rõ nguy cơ sụt giảm mạnh vì tính năng chặn theo dõi người dùng của iPhone (và Android cũng đang theo bước), càng dễ hiểu khi Zuckerberg vươn ‘vòi bạch tuộc’ đi tìm những miền đất quảng cáo mới.
Newton cho biết, Facebook đã thuê hơn 10 nghìn người làm việc trong bộ phận phần cứng của Facebook Reality Labs. Điều đó cho thấy Mark thực sự nghiêm túc về tham vọng của mình.
Bức ảnh sau đây vào năm 2016 sẽ thay cho lời kết. Một mình Mark Zuckerberg ở “thực tế”, còn lại tất cả đều ở trong “thực tế ảo”.
Có thể bạn quan tâm