Những ngày "bão tố" của Didi
Giới chức Trung Quốc bắt đầu chú ý tới ứng dụng gọi xe lớn nhất nước - Didi Global Inc., chỉ vài ngày sau khi cổ phiếu của công ty này bắt đầu niêm yết trên sàn New York.
Các nhà chức trách yêu cầu Didi ngừng đăng ký mới và xóa ứng dụng khỏi các cửa hàng ứng dụng của Trung Quốc vì đang chờ xem xét an ninh mạng. Trung Quốc cho biết họ hành động như vậy để ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ cộng đồng. Didi là công ty mới nhất phải đối mặt với cuộc “chấn chỉnh” các công ty công nghệ của Trung Quốc.
Didi Global Inc. là một trong những ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới với trụ sở nằm ở Bắc Kinh và hoạt động tại 14 quốc gia. ¾ trong tổng số 493 triệu người dùng là ở Trung Quốc. Trong năm 2016, sau 2 năm chiến tranh giá cước, Didi thắng Uber và mua lại Uber Trung Quốc. Vào ngày 30.6, Didi tiến hành IPO tại New York. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty này vào khoảng 74,5 tỷ USD.
Vì sao Didi bị ‘sờ gáy’?
Cơ quan giám sát không gian mạng của Trung Quốc cho biết họ nghi ngờ Didi liên quan đến việc thu thập và sử dụng bất hợp pháp dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên họ không đưa ra bất kỳ sai phạm cụ thể nào. Không rõ liệu tiếp theo chính quyền Trung Quốc có đưa ra lý do cụ thể nào khi nhắm vào Didi hay không.
Không chỉ có Didi
Ngoài Didi, vào hôm thứ hai Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cũng tung ra các cuộc đánh giá an ninh mạng đối với nền tảng hậu cần xe tải Huochebang và Yunmanman, cùng nền tảng tuyển dụng trực tuyến Boss Zhipin. Chức năng đăng ký người dùng tạm thời bị khóa trong khi chờ những đánh giá.
Một thông tin đáng chú ý là hai công ty vận hành các nền tảng này gần đây cũng niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.
Giới chức Trung Quốc đã ban hành Luật Bảo mật dữ liệu vào tháng 6. Theo đó họ yêu cầu các công ty và cá nhân phải có sự chấp thuận của các cơ quan liên quan nếu muốn chuyển bất kỳ dữ liệu nào được lưu trữ ở Trung Quốc cho các thực thể ở nước ngoài. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/9. Những đơn vị vi phạm có thể bị phạt từ 2 triệu - 10 triệu NDT và có thể bị đình chỉ kinh doanh.
Điều gì đang diễn ra?
Có thể thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất lo lắng về sức ảnh hưởng ngày càng lớn của các công ty công nghệ khổng lồ, đặc biệt trong vấn đề độc quyền và dữ liệu người dùng.
Từ trước đến nay, các công ty công nghệ hoạt động tại một vùng xám, với quyền tự do tương đối trong mô hình kinh doanh của mình. Các công ty này cũng yêu cầu những đối tác ký hợp đồng độc quyền, đồng thời thu thập dữ liệu người dùng cho các hoạt động của mình.
Shaun Rein, nhà sáng lập kiêm giám đốc của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc cho biết kể từ khi Trung Quốc ra mắt các ứng dụng theo dõi sức khỏe và kiểm dịch trong đại dịch, việc những gã khổng lồ như Alibaba hay Tencent kiểm soát dữ liệu người dùng đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Alibaba gần đây bị phạt mức kỷ lục 2,8 tỷ USD vì vi phạm chống độc quyền. Các công ty công nghệ lớn khác cũng bị phạt hoặc đối mặt với điều tra vì cáo buộc có hành vi chống cạnh tranh và không công khai tài chính.
Rein chia sẻ: “Hai năm trước, người tiêu dùng Trung Quốc không quan tâm. Họ cho rằng miễn là tiện lợi, thì ứng dụng làm gì cũng được. Thế nhưng gần đây họ bắt đầu lo ngại về quyền riêng tư, vì Alibaba và Tencent thu thập quá nhiều dữ liệu. Thậm chí nhiều hơn cả chính phủ.”
Theo Rein, việc giám sát nghiêm ngặt đối với các công ty công nghệ sẽ giúp cạnh tranh bình đẳng hơn, người dùng có nhiều lợi ích hơn, từ đó giúp ngành công nghiệp này bền vững hơn.
Didi nói gì?
Quay trở lại với Didi. Ứng dụng này cho biết việc xóa ứng dụng tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến doanh thu tại thị trường tỷ dân này. Didi hứa sẽ khắc phục các sự cố, bảo vệ quyền riêng tư người dùng, đồng thời tiếp tục cung cấp các dịch vụ an toàn và tiện lợi.
Theo thông tin, giá cổ phiếu của Didi cũng đã giảm 5.3% sau khi Trung Quốc công bố bản đánh giá an ninh mạng của ứng dụng này.
Có thể bạn quan tâm