Bài học kinh doanh từ các bộ phim "bom tấn" (Kỳ 1): Ford và Ferrari - cuộc đua khốc liệt nhất thế giới
Ford và Ferrari là bộ phim nhận được 4 giải tại lễ trao phải Oscar lần thứ 92 (2020). Tựa tiếng Việt là “Cuộc đua lịch sử”.
“Ford và Ferrari” có sự góp mặt của 2 tài tử Matt Damon và Christian Bales. Bám sát nội dung cuốn sách “Go Like Hell” của A.J Baime năm 2009, bộ phim khắc họa hành trình theo đuổi điên cuồng của Ford trong việc thiết kế và chế tạo ra một chiếc xe có thể đánh bại Ferrari tại giải 24 Hours of Le Mans, giải đua xe uy tín và khốc liệt nhất thế giới.
Ban đầu, nhiệm vụ được giao cho nhóm Advance Vehicle của Ford ở Anh, tuy nhiên họ không cách nào để chiếc GT40 có thể chạy vững trên đường đua hoặc chạy không nghỉ 24 tiếng đồng hồ. Sau 2 thất bại liên tiếp trước Ferrari tại Le Mans năm 1964 và 1965, Ford đã chiêu mộ nhà thiết kế xe hơi huyền thoại Carroll Shelby. Ông lúc đó là tay đua người Mỹ duy nhất từng thắng tại đường đua Le Mans.
Thay vì bắt đầu lại từ đầu, Shelby và chuyên gia kỹ thuật kiêm tay đua Ken Miles đã hợp tác với nhóm Advance Vehicles và nhóm động cơ thử nghiệm của Ford để nâng cấp GT40. Sau nhiều khó khăn và sự cố bên ngoài lẫn bên trong đường đua, Miles cũng có thể đua chiếc GT40 và vượt qua được đối thủ Ferrari.
Ngoài những câu chuyện hấp dẫn, kịch tính về đua xe, “Ford và Ferrari” còn chứa những bài học kinh doanh cực sát với lịch sử qua sự thể hiện tinh tế của những nhà làm phim Hollywood. Và John Carrier, người đứng đầu chương trình “Implementing Industry 4.0: Leading Change in Manufacturing and Operations” của Đại học MIT, là người phân tích các bài học này.
Bài học 1: Đừng áp dụng công nghệ mới nếu chưa biết vấn đề là gì
Trong đua xe, đội đua muốn thắng thì phải hiểu được lực cản khí động học. Có thể hiểu đơn giản rằng lực cản này càng ít, xe sẽ chạy nhanh hơn, ít tốn năng lượng và nhiên liệu hơn. Tối ưu hóa khí động học cũng góp phần ngăn chặn lực nâng không mong muốn, giúp xe có thể ổn định khi chạy ở tốc độ cao.
Vậy nên trong phim, khía cạnh này cũng được khắc họa khá kỹ. Ban đầu, để kiểm tra khí động học của chiếc GT40 nguyên mẫu, các kỹ sư của Ford đã đem một chiếc máy tính lớn, nặng, gắn nhiều cảm biến vào xe. Còn khi đến tay Shelby, ông đã bỏ máy tính, chỉ dán các sợi dây lên bề mặt xe, sau đó quan sát bên ngoài để xem không khí chuyển động xung quanh và đi qua xe như thế nào.
Trong trường hợp này, cách làm ban đầu không ổn bởi khi đặt máy tính vào xe, vô tình làm xe tăng thêm trọng lượng, làm sai lệch hiệu suất của hệ thống. Shelby đã nghĩ đến tình huống này và quyết định loại bỏ chiếc máy tính.
Carrier chia sẻ: “Đã có bao nhiêu công nghệ mới ra đời nhưng không đem lại kết quả như mong đợi? Từ nhà máy Light Outs của Roger Smith cho đến những lời hứa hẹn về động cơ tự động của Tesla từ Elon Musk. Nhiều công ty bị hấp dẫn bởi những công nghệ mới, nhưng chưa biết bản chất, chưa biết vấn đề ở đâu, thì áp dụng công nghệ vào cũng chỉ là sai lầm”.
Bài học 2: Đơn giản hóa quá trình đưa ra quyết định
Trong phim, các quyết định về chương trình của Shelby phải được chấp thuận qua “15 quản lý trung gian”. Điều này khắc họa qua hình ảnh thư mục đỏ mọi người chuyền tay nhau qua lại tại trụ sở của Ford ở Michigan. Có thể nói thư mục đỏ chính là hiện thân của khái niệm “hidden factory”, chỉ những hoạt động làm giảm chất lượng và hiệu quả hoạt động nhưng các cấp quản lý không biết.
Để tránh sự rườm rà này, cuối cùng Shelby đã trực tiếp báo cáo lên Henry Ford II.
Về vấn đề này, Carrier cho rằng các doanh nghiệp cần đơn giản hóa quá trình đưa ra quyết định, để đảm bảo những người đứng đầu, những người có quyền quyết định, biết được thực chất trong “phong bì” có gì.
Theo ông, khi một đề xuất, kế hoạch phải đưa qua quản lý trung gian, thì khó tránh khỏi tình trạng tam sao thất bản, hiểu sai thông điệp. Đó là còn chưa kể chậm trễ thời gian. Đây là những sai lầm chết người có thể phá hủy hiệu suất của bất kỳ hệ thống hoạt động nào.
Bài học 3: Học hỏi từ người khác
Tại cuộc đua, Shelby đã đặt cược vào tay đua Ken Miles với chiếc GT40 cải tiến của mình, dù chính Ken Miles cũng phải đối mặt với một đội Ford khác. Trong lượt vào pit tiếp theo, Shelby nhận ra rằng đội Ford kia nhanh hơn. Và ông phát hiện ra họ dùng các thành viên trong đội pit NASCAR.
Carrier giải thích: “Bài học ở đây rất đơn giản. Đó là người làm kinh doanh cần nhìn ra bên ngoài đội nhóm, công ty của mình để tìm ra giải pháp tốt hơn cho những gì họ đang làm.”
Carrier chia sẻ: “Có nhiều điểm tương đồng giữa kinh doanh và lái xe, từ sự quan trọng của làm việc nhóm, yêu cầu về vốn, đầu tư về công nghệ, cho đến mục tiêu thắng trận trong thời gian nhắn. Nếu có thứ gì đó kéo bạn lại, thì bạn sẽ thua cuộc.”
Một bộ phim rất đáng để xem và xem đi xem lại nhiều lần.
Có thể bạn quan tâm