Vì sao ByteDance là startup thành công nhất thế giới (phần 2)
Chiến lược SSP của ByteDance đã thành công đến mức người ta mong đợi nhiều công ty khác cũng sẽ áp dụng, nhưng không dễ.
>>ByteDance tham vọng bá chủ mảng game
Chia sẻ, dùng chung tài nguyên trong cùng công ty là chuyện quá quen thuộc. Hầu như doanh nghiệp nào cũng có những nhân sự “dùng chung” giữa nhiều phòng ban, hay các hồ sơ, tài liệu dùng chung cho cả công ty.
Thế nhưng, phương pháp SSP (Shared Service Platform) của ByteDance đã nâng việc dùng chung lên một tầm cao mới. Tất cả những gì được coi là “nền tảng”, từ công nghệ đến con người, đều được toàn bộ tập đoàn “dùng chung”.
Một công nghệ đang được một nhóm phát triển thì các nhóm khác cũng sẽ được tiếp cận, sửa đổi và sử dụng đồng thời luôn cho các dự án khác.
Các nhân viên kỹ thuật, ví dụ như kỹ sư hay chuyên viên phân tích thị trường, sẽ hoạt động như một dịch vụ. Bất kỳ nhóm sản phẩm nào cần sẽ đều được sử dụng “sự phục vụ” của “dịch vụ” này.
Mục tiêu của SSP là để cho các nhóm phát triển sản phẩm của ByteDance được tinh gọn và tập trung hết mức vào người sử dụng, đồng thời áp dụng được “bài học thị trường” từ sản phẩm này sang sản phẩm khác của ByteDance.
Kết quả là, trong 2 năm, ByteDance đẩy ra thị trường hơn 140 ứng dụng, lấn vào 11 lĩnh vực khác nhau. Họ ra sản phẩm nhanh nhưng cũng kết liễu sản phẩm không hiệu quả nhanh không kém.
Chiến lược SSP của ByteDance đã thành công đến mức người ta mong đợi nhiều công ty khác cũng sẽ áp dụng, nhưng chỉ có số ít là thành công. Lý do là vì các doanh nghiệp đa phần đã không đưa vào các công cụ hỗ trợ tổ chức, vốn đã giúp ByteDance vượt qua những suy nghĩ sai lầm. Dưới đây là 3 công cụ quan trọng:
Hệ thống OKR
Lấy cảm hứng từ Google, chiến lược và hoạt động của ByteDance được thúc đẩy bởi một hệ thống minh bạch mang tên Mục tiêu và Kết quả Chính (OKR). Hệ thống hoạt động hai tháng một lần từ cấp trên cùng, giúp điều chỉnh các ưu tiên và hành động của SSP và nhóm sản phẩm. Bất kì ai cũng có thể xem OKR của người khác, kể cả Giám đốc điều hành. Việc thực hiện OKR, vốn thường liên quan đến nhiều nhóm thay vì từng nhóm riêng biệt, chiếm phần lớn hiệu suất của một nhân viên tại ByteDance.
Hệ thống phân cấp phẳng
Để thúc đẩy cộng tác và chia sẻ, ByteDance sử dụng hệ thống đánh giá hiệu suất 360 độ. Ngoài ra, không giống như hầu hết các công ty Trung Quốc khác, họ đã bãi bỏ việc sử dụng chức danh và cố tình san bằng hệ thống cấp bậc của mình xuống chỉ còn một vài tầng, để nhân viên có thể tập trung vào trách nhiệm của họ thay vì lo lắng về địa vị. Các nhân viên cho biết việc tiếp cận cấp trên là rất dễ dàng và hữu ích, một phần nhờ được hỗ trợ bởi hệ thống OKR minh bạch cũng như việc không phải lo lắng về sự chênh lệch chức danh.
>>Sau tất cả, ByteDance vẫn “sống khỏe”!
Văn hoá chú trọng dữ liệu
Người sáng lập ByteDance, ông Trương Nhất Minh, tin rằng lợi thế cạnh tranh cơ bản nhất của công ty là văn hóa tổ chức dựa trên dữ liệu. Ví dụ, bước đột phá của công ty trong thị trường video ngắn được thúc đẩy bởi một giám đốc điều hành, người đã để ý rằng thời gian dành cho việc xem video đã tăng mạnh trên Toutiao. Chiến lược marketing được thiết kế dựa trên dữ liệu cũng đã giúp TikTok phát triển từ cơ sở người dùng ban đầu là thanh thiếu niên đến một nhóm người dùng rộng lớn hơn.
Những điều này đều thuộc về cốt lõi tổ chức, văn hóa của doanh nghiệp, không dễ bắt chước và triển khai. Thành thử, mặc dù rất nhiều đối thủ đã “nhái” hòng lật đổ TikTok, trong đó có cả những ông lớn như Facebook, Instagram hay Snapchat, nhưng đến giờ vẫn không thành công.
Chiến lược đổi mới dựa trên SSP của ByteDance rõ ràng đã đóng một vai trò quan trọng trong thập kỷ tăng trưởng bùng nổ đầu tiên của hãng. Nó cho phép công ty ươm tạo nhanh chóng, rộng khắp và mở rộng quy mô hiệu quả, bằng cách sử dụng các hệ thống kỹ thuật và hoạt động được triển khai vừa tập trung, vừa linh hoạt. Sự tương đồng giữa các sản phẩm khác nhau của hãng là một trong nhiều yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của chiến lược này.
ByteDance hiện đang khám phá các danh mục sản phẩm khác và đang cải tiến chiến lược để phù hợp hơn với quy trình và mô hình tổ chức đang phát triển của mình, nhưng bất kể công ty phát triển như thế nào, chiến lược đổi mới dựa trên SSP chắc chắn sẽ luôn đóng một vai trò quan trọng.
Có thể bạn quan tâm