Mô hình phim trực tuyến gặp khủng hoảng?
Người dùng thuê bao dịch vụ phim trực tuyến để được thưởng thức bộ phim mà không bị xem quảng cáo. Nhưng sự hưởng thụ đó có vẻ như sắp kết thúc.
>>Phim trực tuyến đang theo bước… truyền hình
Số người dùng đăng ký Netflix theo quý lần đầu tiên sụt giảm trong một thập kỷ, và điều đó đã gây ra một làn sóng chấn động trong toàn bộ ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ này. Trong nhiều năm qua, phố Wall coi Netflix là một cái tên tiềm năng với khả năng mở rộng cơ sở người dùng của mình. Nhưng thực tế đang trở nên phũ phàng hơn.
Cổ phiếu của Netflix đã giảm hơn 20% hôm thứ Ba sau khi gã khổng lồ cho biết họ mất 200.000 người đăng ký trong quý đầu tiên của năm 2022 và không đạt mục tiêu doanh thu. Bởi vì Netflix báo cáo thu nhập cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh, tin tức này đã khiến cổ phiếu của ngành giải trí giảm mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Netflix đã giảm hơn 40% do cạnh tranh gia tăng và dự báo tăng trưởng yếu. Mọi thứ được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn. Netflix dự báo sẽ mất thêm 2 triệu người đăng ký trong quý hai.
Sự suy giảm của Netflix đặt câu hỏi về chặng đường tiếp theo của các dịch vụ phim trực tuyến, theo như nhà phân tích Michael Nathanson viết trong một lưu ý cho khách hàng vào đầu năm nay, khi Netflix lần đầu tiên bắt đầu có dấu hiệu suy thoái. Sau nhiều năm không phải lo lắng về cạnh tranh, các giám đốc điều hành của Netflix cuối cùng cũng bắt đầu thừa nhận rằng sự phát triển của các dịch vụ đối thủ đang đe doạ tới họ.
Trong nhiều năm, Netflix là hãng duy nhất đầu tư mạnh vào việc cấp phép và sản xuất nội dung gốc trên quy mô lớn. Nền tảng này từ lâu đã đầu tư vào nội dung phát trực tuyến được bản địa hóa trên khắp thế giới, mang lại lợi thế lớn cho nó trên các thị trường quốc tế.
Nhưng trong vài tháng qua, Disney + và HBO Max đã bắt đầu mở rộng trên quy mô toàn cầu. Disney cho biết họ có kế hoạch chi 33 tỷ USD cho nội dung trong năm nay, so với 14 tỷ USD mà Netflix đã chi vào năm ngoái.
Chủ tịch Netflix kiêm đồng sáng lập Reed Hastings cũng cho rằng việc người đăng ký chậm lại là do chia sẻ mật khẩu, điều mà công ty đã bắt đầu ngăn chặn.
Trong một lá thư gửi cho các nhà đầu tư, Netflix cho biết ngoài 222 triệu hộ gia đình trả tiền, họ ước tính rằng dịch vụ của họ đang được chia sẻ với hơn 100 triệu hộ gia đình khác không trả tiền, bao gồm hơn 30 triệu ở Hoa Kỳ và Canada - hai thị trường sinh lời nhiều nhất cho hãng.
>>Vì sao Netflix tăng giá ở Mỹ nhưng giảm giá ở Ấn Độ?
Sự chững lại của Netflix là một lời cảnh tỉnh cho Phố Wall, nơi trong nhiều năm đã xem dịch vụ giải trí trực tuyến là tương lai của truyền hình.
Trong khi nguồn cung tiếp tục tăng, số tiền người tiêu dùng sẵn sàng chi cho các dịch vụ đăng ký vẫn tương đối nhất quán trong vài năm qua, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu truyền thông Magid. Hầu hết người tiêu dùng sẵn sàng trả cho khoảng bốn dịch vụ cùng một lúc với giá khoảng 10 USD hàng tháng cho mỗi dịch vụ. Các yếu tố kinh tế vĩ mô, như lạm phát, và giá tăng đầu năm nay có thể khiến khách hàng ít sẵn sàng chi tiêu hơn.
Trong bối cảnh đó, Netflix nói với các nhà đầu tư rằng họ đang cân nhắc đưa ra gói đăng ký rẻ hơn, có hỗ trợ quảng cáo trong "một hoặc hai năm tới" trong nỗ lực mở rộng cơ sở người đăng ký. Khi thị trường ngày càng bão hòa, các nhà phân tích đã lập luận rằng quảng cáo là lựa chọn tốt nhất của Netflix để tăng trưởng. Hầu hết các dịch vụ giải trí nói chung, bao gồm Disney+, Hulu, Discovery+, HBO Max, Paramount+ và Peacock, đều cung cấp các tuỳ chọn quảng cáo.
Các gã khổng lồ công nghệ lớn cũng đang tăng gấp đôi các dịch vụ miễn phí, có hỗ trợ quảng cáo như một phương tiện để thu hút người dùng mới. Tuần trước, Amazon đã khởi động lại dịch vụ giải trí miễn phí, IMDb TV, với tên gọi Freevee như một tín hiệu cho người dùng về một nền tảng không tốn phí. Tháng trước, YouTube cho biết lần đầu tiên họ sẽ phát trực tuyến các chương trình truyền hình miễn phí có kèm quảng cáo.
Nhiều công ty giải trí truyền thống dưới áp lực từ Netflix cũng đã bắt đầu chi tiền vào các sản phẩm trực tuyến có quảng cáo như một cách để giảm tải cho nền tảng truyền hình. Fox đã mua Tubi vào năm 2020. Paramount+ sở hữu Pluto TV. Disney sở hữu Hulu và Comcast sở hữu Xumo và Peacock.
Trong khoảng 10 năm qua, có một làn sóng gọi là “cắt dây cáp”, một cách nói ví von của việc người tiêu dùng bỏ truyền hình cáp để chuyển sang thuê bao dịch vụ phát trực tuyến. Một trong những lí do lớn của làn sóng này là được xem nhiều phim và không bị xem quảng cáo. Bây giờ, phim trên các dịch vụ trực tuyến vẫn có nhiều nhưng quảng cáo cũng bắt đầu nhiều theo. Liệu điều này có vực dậy được ngành phim trực tuyến đang đi vào thế bí như hiện nay?
Có thể bạn quan tâm