Thời trang “ảo” cũng phải mở cửa hàng thực địa
Công ty chuyên thiết kế thời trang cho nhân vật ảo trên mạng cũng phải mở cửa hàng thực địa để khách hàng “mắt thấy tay sờ”.
>>Công nghệ làm “dậy sóng” thời trang
ZERO10 là một nền tảng thời trang thực tế ảo tăng cường (AR), còn Crosby Studios là một đơn vị thiết kế. Hai bên vừa bắt tay nhau cho ra đời một sưu tập trang phục kỹ thuật số được trưng bày trong một cửa hàng theo phong cách vũ trụ ảo ngoài đời thực tại SoHo trong sự kiện Tuần Lễ Thời Trang New York.
Cửa hàng là nơi trưng bày và bán bộ sưu tập thời trang ảo gồm 5 món đồ của Crosby Studios. Cửa hàng được thiết kế với nội thất bên trong mang phong cách pixel đặc trưng lấy cảm hứng từ thẩm mỹ làm game những năm 1990. Khách hàng có thể trải nghiệm cửa hàng trong thời gian từ 7 - 17/9. Từ ngày 18/9, bộ sưu tập chỉ được bày bán trên ứng dụng của ZERO10.
Ba trong số năm món đồ là một bộ đồ kẻ caro, một áo hoodie họa tiết da báo và một chiếc quần chuyên dùng để chơi game. Khách hàng có thể thử, chia sẻ miễn phí và lưu chúng vào trong tủ đồ kỹ thuật số trên ứng dụng ZERO10. Một món đồ khác là áo sơ mi “ánh sáng”, yêu cầu khách hàng phải mua thì mới được thử. Món đồ cuối cùng là “quần tan biến”, chỉ có sẵn dưới dạng bộ sưu tập NFT phiên bản giới hạn, giá bán lẻ là 0.1 ETH (khoảng 160 USD).
Theo George Yashin, CEO của ZERO10, ý tưởng đằng sau việc xây dựng cửa hàng popup này là để “kết hợp trải nghiệm vũ trụ ảo với trọng tâm là sáng tạo và tương tác”, đem những thứ tưởng chừng ảo ra ngoài thế giới thực tế, giúp chúng trở nên chính thống hơn. Ông cho rằng thời trang kỹ thuật số không nên chỉ giới hạn ở web 3.0 hoặc các môi trường trực tuyến, mà còn phải được trưng bày xung quanh con người, trong các cửa hàng.
Khách hàng đến với cửa hàng này sẽ được hướng dẫn dùng điện thoại quét mã QR để đi đến ứng dụng ZERO10. Tại đây họ có thể thử theo kiểu thời gian thực, hoặc tải ảnh bản thân lên rồi ướm thử một “lớp” quần áo lên, sau đó chia sẻ lên các phương tiện truyền thông xã hội.
>>Trào lưu ứng dụng thời trang cũ
Điểm nhấn của cửa hàng là tương tác và cộng đồng. Tức là khi đó khách hàng có thể vừa tự do “thử đồ”, tạo những nội dung về bộ sưu tập này, vừa có thể ngồi nhâm nhi trà sữa cùng bạn bè và trao đổi, trò chuyện.
Harry Nuriev, người sáng lập Crosby Studios, cho biết bản thân rất thích làm việc trong thế giới ảo. Tuy nhiên ông cũng muốn đem một phần thế giới ảo ra thế giới thực, ở đó có sự tương tác giữa người với người.
Theo ông Yashin, đây không phải là lần đầu có người bán đồ ảo ở ngoài cửa hàng thực địa. Trước đó vào tháng 3, nhà bán lẻ kỹ thuật số DressX từng hợp tác với ông trùm bán lẻ Printemps ở Paris để xây dựng một cửa hàng popup nhằm trưng bày và bán đồ kỹ thuật số. Hoặc Philipp Plein một cửa hàng phong cách Web3, hoặc Ferragamo triển khai một gian hàng tạo NFT để kỷ niệm ngày ra mắt cửa hàng tại SoHo, New York.
Mục đích của việc bán đồ ảo ở cửa hàng thực địa thường được dùng với mục đích “thu hút một thế hệ người tiêu dùng mới”.
Trong tương lai, Yashin muốn tiếp tục phát triển kiểu cửa hàng như vậy, tiến đến thay thế kiểu cửa hàng thực địa bán đồ thực tế như xưa. Những cửa hàng này sẽ giúp khách hàng có trải nghiệm mua sắm kiểu mới, đồng thời giảm thiểu chi phí phục vụ cho các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp.
Theo Yashin, ý tưởng này không chỉ đơn giản là một nơi để thử đồ, mà còn cho phép các thương hiệu trải nghiệm cửa hàng pop-up kiểu mới và mở rộng khả năng bán hàng tại cửa hàng.
Có thể bạn quan tâm