Thấy gì đằng sau việc Amazon trả mặt bằng cửa hàng?
Đến gã khổng thương mại điện tử nổi tiếng thế giới như Amazon cũng phải nói lời “chào tạm biệt” với các cửa hàng thực địa của mình.
>>Amazon lấn sân thương mại mạng xã hội
Mới đây, Amazon thông báo rằng họ sẽ đóng cửa cả hai cửa hàng thực địa bán quần áo Amazon Style ở Los Angeles và Columbus, Ohio, Mỹ vào tuần tới. Amazon mới mở cửa hàng quần áo Amazon Style đầu tiên vào năm ngoái tại The Americana at Brand, một trung tâm mua sắm ở Glendale, California.
Lúc đó, một số chuyên gia đã dự đoán rằng sự gia nhập của Amazon có thể đe dọa các nhà bán lẻ truyền thống như Macy's và Kohl's. Tuy nhiên, dự định lấn sân sang mảng bán lẻ truyền thống của Amazon có vẻ không mấy suôn sẻ.
Năm ngoái, Amazon đã đóng cửa tất cả các hiệu sách thực đại cũng như các cửa hàng 4 sao và các cửa hàng tiện lợi. Chia sẻ về lý do, công ty cho biết họ đóng cửa các điểm bán hàng trực tiếp này để tập trung nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh khác như cửa hàng bán thực phẩm Amazon Fresh và các cửa hàng quần áo Style.
Nhưng đến đầu năm nay, công ty lại thông báo đóng cửa tiếp một số cửa hàng Amazon Fresh và Go. Lý do được đưa ra là cần dành thời gian để tìm phương án phù hợp cho phép công ty mở rộng quy mô. Trước những thông tin đóng cửa liên tục này, người phát ngôn của Amazon vẫn khẳng định Amazon rất coi trọng việc phát triển bán lẻ truyền thống, và họ đang tiếp tục đầu tư kinh doanh cửa hàng tạp hóa như Amazon Fresh, Whole Foods Market, Amazon Go, v.v..
Tuy “mạnh miệng” thông báo vẫn tập trung đầu tư vào các cửa hàng bán lẻ truyền thống, song ai cũng thấy rằng số cửa hàng Amazon tự đóng từ năm ngoái đến năm nay nhiều hơn hẳn số cửa hàng mở mới. Số cửa hàng mà công ty cam kết sẽ phát triển trong tương lai cũng chưa có cập nhật chi tiết về tiến độ hay dự kiến thời gian ra mắt. Có thể thấy gã khổng lồ thương mại điện tử này cũng chẳng thành công lắm với mảng bán lẻ truyền thống mà công ty đang nỗ lực xâm nhập.
Không chỉ Amazon, nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ như Walmart cũng đã đóng cửa hơn 40 cửa hàng trên toàn nước Mỹ vào năm 2021 và 23 cửa hàng vào tháng 5 năm nay. Chuỗi cửa hàng nổi tiếng CVS thì đã đóng cửa 900 cửa hàng trong 3 năm trở lại đây.
Tại Việt Nam, một loạt mặt bằng trên các tuyến phố lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng hay Tp. Hồ Chí Minh đều trống trơn do không có người thuê. Không ít địa điểm mua sắm, ăn uống dọc các con đường đắt đỏ ở TP HCM như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng (quận 1), khu vực Hồ Con Rùa (quận 3), v.v., bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng dán đầy cửa kính nhưng không có người thuê. Chỉ tính riêng đường Đồng Khởi đã có gần 20 mặt bằng bỏ trống, chờ khách thuê.
Một trong những lí do cho hiện tượng này được đưa ra là thói quen mua hàng của người tiêu dùng đang thay đổi, dịch chuyển từ mua ở cửa hàng sang mua hàng qua mạng. Khảo sát nhu cầu của hơn 9.000 người tiêu dùng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam vừa được PwC đưa ra gần đây khẳng định, người tiêu dùng đã thay đổi lối sống và thói quen mua hàng do tác động của dịch COVID-19. Kết quả khảo sát cho biết, có tới 63% người tiêu dùng toàn cầu đã tăng cường mua sắm trực tuyến, trong khi 42% giảm mua sắm tại các cửa hàng.
NHƯ VẬY LÀ
Có thể dự đoán, xu hướng bỏ mặt bằng vẫn còn sẽ tiếp diễn. Bán lẻ ở cửa hàng thực địa vẫn đang là một bài toán khó giải, thậm chí đối với cả một ông lớn bán lẻ khổng lồ tầm cỡ như Amazon.
Có thể bạn quan tâm