Đà Nẵng sẽ kiến nghị lấy lại Sân vận động Chi Lăng
TP Đà Nẵng có quyết tâm xin lấy lại Sân Vận động Chi Lăng hiện đã bị chia cắt để phục vụ phát triển văn hóa xã hội.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trong phát biểu tiếp thu, giải trình một số vấn đề tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã cho biết TP Đà Nẵng có quyết tâm xin lấy lại Sân Vận động Chi Lăng hiện đã bị chia cắt để phục vụ phát triển văn hóa xã hội.
Cụ thể, ông cho biết, thời gian sắp tới riêng lĩnh vực văn hóa Đà Nẵng có thể phải “đương đầu với những thách thức lớn hơn và đòi hỏi cần sự lãnh đạo,chỉ đạo mạnh mẽ kiên trì hơn”. Nói rõ hơn, Chủ tịch TP Đà Nẵng đưa ra trường hợp của Sân Vận động Chi Lăng: “Cục Thi hành án sẽ tiến hành thi hành án đối với 14 lô đất của sân vận động Chi Lăng thành 14 mảnh vỡ. Chúng tôi đã có báo cáo với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Đà Nẵng sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ,Tòa án và các cơ quan liên quan để xin thương lượng lấy lại sân vận động này phục vụ cho nhu cầu phát triển văn hóa xã hội, yêu cầu phát triển của địa phương”.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, nhất định TP “không ủng hộ và không thể nào làm được việc 14 lô đất bị chia ra trở thành 14 dự án, chia cắt Sân Vận động Chi Lăng”.
Trước đó, khi các đại biểu HĐND TP chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP về sự sa sút của ngành thể thao. Ông Huỳnh Hùng – Giám đốc Sở đã chia sẻ rằng: “Đây là một thực tế phải nhìn thẳng vào”. Vị giám đốc Sở đặt câu hỏi: “Thế thì nguyên nhân ở đâu? Trước hết, về mặt chủ quan thì công tác quản lý, huấn luyện, đào tạo chưa đến nơi đến chốn. Nhưng về khách quan, cơ sở tập luyện, huấn luyện của thể thao Đà Nẵng đang rất chông chênh”.
Cụ thể từ sau năm 2011, sân vận động Chi Lăng không còn thì những môn thể thao thành tích cao của Đà Nẵng như điền kinh, võ, bóng bàn…thường xuyên tập luyện tại đây đã không có điều kiện tập luyện nữa.
Ông Huỳnh Hùng cho biết, Sân Hòa Xuân –vừa được đưa vào hoạt động - không phải là sân vận động, mà chỉ là sân bóng đá. Trong khi, sân Chi Lăng mới là sân vận động, vừa phục vụ được cho môn bóng đá, vừa có thể phục vụ tập luyện, thi đấu các môn khác. Vị Giám đốc Sở Thể thao khẳng định, do không còn sân vận động Chi Lăng nên điều kiện cơ sở vật chất để tập luyện không có dẫn đến tình trạng người học, các vận động viên phải “lang thang” xin tập chỗ này, chỗ khác.
Trong khi đó, Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân cho đến bây giờ xây dựng chưa xong. Dự kiến đến quý 3/2018 mới xây xong nhà tập đa năng.
Có thể bạn quan tâm
Viện Hải dương học không phát hiện tảo gây ngứa trong nước biển tại Đà Nẵng
18:04, 11/07/2018
Đà Nẵng giải quyết kẹt xe, tắc đường ra sao?
16:33, 11/07/2018
Đà Nẵng: Đại biểu HĐND lo ngại cơ sở hạ tầng giao thông thành phố
13:34, 11/07/2018
Liên quan sự chia cắt của Sân Vận động Chi Lăng TP Đà Nẵng mới đây, Nguyên Phó Chánh Văn phòng, Trưởng phòng quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND TP và Nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất đã nhận kỷ luật cảnh cáo từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng. Thông tin cho biết, sai phạm của hai vị này liên quan đến vụ chia nhỏ Sân Vận động Chi Lăng bán cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh.
Vào năm 2011, Đà Nẵng giao khu đất sân vận động Chi Lăng ở trung tâm thành phố cho Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng cao ốc phức hợp thương mại, dịch vụ..
Theo đó, TP Đà Nẵng đã đồng ý cắt sân vận động Chi Lăng ra 10 lô rồi cấp sổ đỏ cho Tập đoàn Thiên Thanh. Từ đó, nhà đầu tư mới có đủ cơ sở pháp lý thế chấp ngân hàng vay tiền. Gần 10 năm kể từ khi được giao đất, Sân vận động Chi Lăng hiện đang hoang phế và ngày càng xuống cấp.
Trước đó, hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến đã bị khởi tố do liên quan đến sai phạm trong bán đất công ở Đà Nẵng, trong đó có việc bán sân vận động Chi Lăng gây nhiều bức xúc.
Tại kỳ họp sáng ngày 12/7, trước ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch HĐND TP - ông Nguyễn Nho Trung đã đề nghị ngành văn hóa thể thao rà soát lại quỹ đất dành cho văn hóa thể thao, yêu cầu phải gắn chặt với điều chỉnh quy hoạch TP tầm nhìn đến 2045, kiên quyết đảm bảo quỹ đất cho thể thao, sử dụng đúng, không cho các mục đích khác, đồng thời vận động, làm việc với các nhà đầu tư về đất dành cho văn hóa, thu hồi các dự án nhằm đảm bảo người dân hưởng thụ các thiết chế văn hóa, ông Nguyễn Nho Trung nói.