Đà Nẵng: Đại biểu HĐND lo ngại cơ sở hạ tầng giao thông thành phố

Kiều Vũ 11/07/2018 13:34

Trong ngày họp thứ hai kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, vấn đề về nguy cơ giao thông đô thị của TP Đà Nẵng được các đại biểu đặt ra.

Ông Tô Văn Hùng – Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng đã dùng từ “bất cập trong quy hoạch” và “những nỗ lực giải cứu giao thông đô thị” khi nói về vấn đề này.

Nguy cơ hạ tầng giao thông hiện hữu

Nhiều người nói giao thông Đà Nẵng hiện nay chưa đến mức như chúng ta lo ngại hay như các thành phố lớn khác-nhưng có đúng như vậy? Theo ông Tô Văn Hùng, nếu không hành động kịp thời thì trong 5 đến 10 năm nữa, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt các vấn đề và không còn cơ hội để giải quyết.

Trước mắt, Đà Nẵng có thiếu đất xây dựng đô thị không? "Thống kê mới nhất, tổng diện tích xây dựng đô thị hiện nay của TP là 17.500ha, so với tiêu chuẩn, với diện tích này là đủ sức chứa cho 1,2 đến 1,3 triệu dân. Như vậy, đất đai xây dựng phát triển đô thị của Đà Nẵng là thừa chứ không thiếu. Vấn đề là sử dụng cơ cấu đất, quy hoạch như thế nào cho hợp lý" – ông Hùng nói.

Hiện “Đà Nẵng đang không ưu tiên đất cho hạ tầng mà dành quá nhiều cho đất ở. Đà Nẵng cũng đang sử dụng một mô hình đô thị phân tán, dàn trải, mật độ xây dựng cao mà tầm cao thấp nên không hiệu quả sử dụng đất không cao. Sơ đồ giao thông theo ô bàn cờ, mặt cắt đường rất nhỏ. Hầu hết quản lý theo hướng hỗn hợp và hầu như là phố, đường tới đâu buôn bán tới đó, không có đường trục giao thông chính, lúc nhà, lúc đường, lúc dịch vụ, lúc nhà hàng-khách sạn, quản lý quy hoạch hết sức linh hoạt!” – ông Hùng bức xúc chỉ ra.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng - Tô Văn Hùng đưa ra những con số đáng lo ngại về giao thông TP Đà Nẵng

Ông Tô Văn Hùng- Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng đưa ra những con số đáng lo ngại về giao thông thành phố.

Với thực trạng như thế thì năng lực giao thông hiện nay như thế nào? Thông tin từ Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nững cho thấy, hiện nay phần lớn giao thông Đà Nẵng là giao thông đường bộ với 918km đường, hơn 7.200 nút giao thông-đồng nghĩa cứ từ 200 đến 300m đường là có nút giao thông. Đây sẽ là trở ngại rất lớn cho giao thông công cộng, ông Hùng cho biết.

Theo tính toán, tốc độ di chuyển các phương tiện bình quân giờ cao điểm tại Đà Nẵng nhỏ hơn 17km/giờ, bằng với Hà Nội. Xe buýt hiện nay mới chỉ đáp ứng 2% nhu cầu đi lại, bãi đỗ xe thì đáp ứng 2,6% nhu cầu, trong khi quy hoạch cần 158 bãi (thực tế đang chỉ có mười mấy bãi đỗ xe).

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân lớn với những con số mà theo người đứng đầu Ban Đô thị TP là rất đáng lo ngại. Tốc độ tăng phương tiện trên địa bàn hiện nay, với ô tô là 11%, xe máy là 7%. Cùng với những con số là tín hiệu cho nguy cơ vượt ngưỡng hạ tầng giao thông như có gần 950.000 xe, trong đó ô tô gần 74.000 chiếc. Trung bình, mỗi người dân sở hữu 1,2 phương tiện, cho thấy sự dư thừa. Xe máy chiếm tỉ lệ 92% và thống kê có 70% tai nạn giao thông là do xe máy.

Ông Tô Văn Hùng cũng đưa ra con số rất bất ngờ rằng hiện bình quân mỗi ngày, số lượng ô tô đăng ký tại TP này là 50 xe cấp mới, mỗi tháng 1.200 xe ô tô. Với tốc độ này, đến năm 2020 TP sẽ có khoảng 1,2 triệu phương tiện xe cá nhân. Trong khi đất giao thông TP Đà Nẵng chỉ đạt 8,3% so với đất đô thị, thấp hơn cả TP HCM (8.73%).

Tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông đã xuất hiện rất nhiều tại TP Đà Nẵng

Tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông đã xuất hiện rất nhiều tại TP Đà Nẵng

Có thể nói, số diện tích đất dành cho giao thông Đà Nẵng hiện đang rất thiếu. Một vấn đề quan trọng khác không kém được Trưởng ban Đô thị TP chỉ ra: Nếu tiếp tục đầu tư bãi đỗ xe công cộng như hiện nay, TP phải cần đến hơn 35 ngàn tỷ, sẽ phải lấy đâu ra nguồn lực để đầu tư?

Có thể bạn quan tâm

  • HĐND TP Đà Nẵng cần giải quyết hiệu quả các hạn chế, yếu kém

    13:52, 10/07/2018

  • Đà Nẵng: Doanh nghiệp bàng hoàng vì bị thu hồi dự án

    11:00, 10/07/2018

  • Đà Nẵng: Ông Đặng Việt Dũng trở lại chức Phó Chủ tịch UBND Thành phố

    21:17, 09/07/2018

  • Đà Nẵng: Vì sao gần 20 năm vẫn không thông đường Lê Hữu Trác?

    15:01, 06/07/2018

  • Đà Nẵng siết thuế với du lịch, bất động sản

    13:08, 05/07/2018

  • Hỗ trợ cán bộ 200 triệu để nghỉ việc sớm: Sở Nội vụ Đà Nẵng nói gì?

    11:00, 05/07/2018

  • Người dân tắm biển bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ: BQL các bãi biển Đà Nẵng đề nghị kiểm tra nước biển

    17:43, 03/07/2018

Đâu là giải pháp?

Đồng tình với ý kiến của ông Tô Văn Hùng, đại biểu Võ Văn Thương cho biết về quy hoạch giao thông, những địa bàn cũ như Hải Châu, Thanh Khê cần phải thay đổi, cần có những giải pháp để làm ngay.

Đại biểu Thương đề xuất cần có lộ trình hạn chế phương tiện xe máy nhưng đi đôi đó, phương tiện công cộng phải phát triển tương xứng, tăng mức độ phủ khắp xe buýt và vận động, tuyên truyền người dân đi xe buýt.

Đại biểu này cũng cho rằng cần làm ngay các bãi đỗ xe và hạ tầng giao thông, xây dựng công trình khác mức giải quyết giao thông tại trung tâm. Có như vậy mới giải quyết được bài toán giao thông đang đặt ra. Theo vị này, như cách làm của Singapore, muốn áp dụng thành phố cần thời gian và lộ trình phải được tính toán.

Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng cũng đã có đề án giao thông công cộng nhưng hiện nay triển khai chưa được. Về giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân phải cần có lộ trình. Ông đề nghị UBND TP có chỉ đạo để thông qua và thực hiện tốt đề án này.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - Nguyễn Nho Trung đồng tình các ý kiến của đại biểu tại kỳ họp về tình hình giao thông của TP

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung đồng tình các ý kiến của đại biểu tại kỳ họp về tình hình giao thông thành phố.

Theo ông Nho Trung, hiện nay đầu tư xe buýt của Đà Nẵng có thể nói là ngang hoặc hơn cả xe buýt nước ngoài, nhưng dân vẫn không đi. Lý do chính được đưa ra là tuyến không bao phủ. Chủ tịch HĐND TP đề nghị ngành GTVT tham khảo ý kiến người dân, đồng thời chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè và triển khai xây dựng bãi đỗ xe công cộng.

Trưởng ban Đô thị Tô Văn Hùng kiến nghị, phải tiếp cận mô hình quản lý hiện đại, kêu gọi xây dựng một mô hình giao thông hiện đại và có những cách thức khai thác hiệu quả quỹ đất. Theo ý kiến của ông, quản lý và phát triển giao thông phải lấy con người làm trung tâm – như cách Singapore đã làm. Về giải pháp chung, tái thiết đô thị phải đảm bảo dành quỹ đất cho hạ tầng, thay thế mô hình đô thị, có như thế mới giải phóng được đất đai; nghiên cứu đề án cơ chế, chính sách phát triển, tăng cường áp dụng hạ tầng giao thông thông minh. cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, kiểm soát công trình đậu đỗ xe đã được cấp phép.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất việc tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng và hoàn thiện hệ thống xe buýt, có giải pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân, có thể khoanh vùng cấm xe máy và điều kiện sở hữu ô tô là có bãi đỗ xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đà Nẵng: Đại biểu HĐND lo ngại cơ sở hạ tầng giao thông thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO